Bảo đảm phòng ngừa vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở

Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, một trong những nguyên nhân giúp chỉ tiêu về phòng, chống tội phạm đạt tỷ lệ cao là nhờ chủ trương đưa công an chính quy về cấp xã. Khi lực lượng này về với xã thì rất gần dân và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có tác dụng rất rõ. Nhờ vậy, đã bảo đảm thực hiện phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật ngay tại địa bàn, cơ sở.

Xử lý nhiều vụ án khó, đặc biệt là vụ án tham nhũng, tiêu cực

Đánh giá cao kết quả đạt được của Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, thiên tai, dịch bệnh, nhưng với sự nỗ lực cao của ngành tư pháp, đặc biệt là ngành công an, năm 2024 các chỉ tiêu về phòng, chống tội phạm đạt tỷ lệ cao, bảo đảm ổn định tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lưu ý công tác điều tra, xử lý tội phạm đạt tới 78,15% là rất cao, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới cho rằng, nhiều vụ án được điều tra xử lý đều rất khó, đặc biệt là những vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cả tỉnh, cả vùng và nhiều lĩnh vực. Điều này ghi nhận sự đóng góp của các cơ quan tư pháp và ngành công an.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới, một trong những nguyên nhân để đạt được kết quả này đó là nhờ chủ trương đưa Công an chính quy về cấp xã (theo Nghị quyết số 22 - NQ/TW ngày 15.3.2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả). Khi đưa lực lượng này về với xã thì rất gần dân và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có tác dụng rất rõ, nhất là trong bảo đảm thực hiện phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật ngay tại địa bàn, cơ sở. Đặc biệt, khi Quốc hội sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, giao công an xã thụ lý, giải quyết tin báo tố giác ban đầu là bước nhảy vọt trong chủ trương với lực lượng công an xã. Đó là được tham gia vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật, giải quyết vụ việc cho người dân hiểu ngay từ cơ sở, không để phát sinh phức tạp, đẩy lên cấp trên, tác dụng là rất rõ, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới khẳng định.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cần đánh giá tác động của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1.7.2024 và được Bộ Công an triển khai đồng loạt. Bởi lẽ, khi đi tiếp xúc cử tri hay xuống cơ sở, người dân đều rất đồng tình, ủng hộ.

Quy định cụ thể về trách nhiệm trong công tác phòng ngừa

Ghi nhận những kết quả đạt được, song Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương, kể cả thiệt hại về tài sản. Một số loại tội phạm có tổ chức tăng mạnh. Do vậy, Chính phủ, Bộ Công an cần có đánh giá rõ về loại tội phạm này.

Chỉ ra tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt, tham ô tài sản, đánh bạc trên internet tăng; một số vụ giết người với tính chất man rợ liều lĩnh gia tăng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phân tích các loại vi phạm tăng mạnh để làm rõ nguyên nhân cơ bản và nguyên nhân chủ quan là gì?

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Xét về góc độ quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng có 4 nguyên nhân. Đó là, trong chừng mực nào đó, một số quy định của pháp luật chưa rõ. Khâu yếu kéo dài là công tác thanh tra, kiểm tra. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ còn hạn chế, vì không cùng lúc chuyển đổi số thành công để ứng dụng công nghệ trong phân loại, quản lý, xử lý tội phạm. Năng lực phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng tại một số địa phương còn hạn chế.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Từ thực tế nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải nêu rất rõ là do năng lực hay trách nhiệm của một số địa phương, hay từ Trung ương đến địa phương? Phải chăng có nhiều việc là vấn đề trách nhiệm, biết việc đó có thể làm được nhưng không làm hoặc làm không đến nơi, đến chốn, đùn đẩy, né tránh? Cần phân tích các vụ việc cụ thể để chỉ rõ nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục triệt để. Nếu là trách nhiệm, thì phải tăng cường công tác quản lý, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp. Đề nghị công tác đánh giá cần hết sức toàn diện, khách quan, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, các loại tội phạm hình sự, tội phạm tham nhũng, ma túy, xử phạt vi phạm hành chính, tai nạn giao thông về số vụ đã tăng so với cùng kỳ. Chúng ta đã làm rất nhiều, rất tốt nhưng vì sao lại tăng? Có phải tăng do cá thể hóa nhiều hành vi hoạt động của tội phạm, như hành vi lừa đảo trên không gian mạng có nhiều cách lừa đảo nên số lượng tăng lên? Nêu các vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị đánh giá thêm các điều kiện bảo đảm để cơ quan thực thi pháp luật thực hiện nhiệm vụ. Đơn cử, quân số, lực lượng, biên chế không tăng trong khi công việc nhiều hơn và chính sách bảo đảm cho các cơ quan thực thi pháp luật còn "nhỏ giọt"?

Để công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong năm tới và những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới đề nghị, cần quy định trách nhiệm cụ thể, chỉ tiêu cụ thể trong công tác phòng ngừa.

Hiện nay, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16.3.2022 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17.1.2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trên cơ sở những văn bản này, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới đề nghị, cần có chính sách ưu tiên, bảo đảm điều kiện cho các cơ quan thực thi pháp luật, trọng tâm là lực lượng quân đội và công an.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật thời gian qua đã có nhiều đổi mới. Đơn cử, vừa qua khi tiến hành làm căn cước công dân, trên cơ sở lấy dữ liệu công dân đã phát hiện và bắt giữ được nhiều tội phạm lẩn trốn. Đây là công sức của những người làm công tác chuyên môn và của cơ quan quản lý nhà nước cần được tuyên truyền rộng rãi để nhân dân biết, từ đó củng cố, tăng cường sự đồng thuận, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, đối với những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế, số liệu tăng - giảm... đều phải chỉ rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, có địa chỉ cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, thể hiện rõ các giải pháp về tiếp tục hoàn thiện thể chế cũng như thực hiện tốt các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-phong-ngua-vi-pham-phap-luat-ngay-tai-co-so-post390204.html