Bảo đảm quy định đầy đủ đối tượng thụ hưởng chính sách

Sáng 15/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về nội dung này.

Tham gia thảo luận tại tổ 8, đại biểu Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh nhất trí với Báo cáo thẩm tra số 290/BC-UBCTĐB15, ngày 7/5/2025 của Ủy ban Công tác đại biểu về đối tượng áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt.

Đồng chí Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ chiều 15/5.

Đồng chí Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ chiều 15/5.

Theo đại biểu, tại điểm b, khoản 1, điều 7 dự thảo nghị quyết quy định một trong những đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt là “Lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại phụ lục I kèm theo nghị quyết này”. Tuy nhiên, mục 6, phụ lục I ban hành kèm theo dự thảo nghị quyết lại chỉ quy định đối tượng được hưởng hỗ trợ hằng tháng là “Ban Pháp chế thuộc HĐND cấp tỉnh (đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách); Sở Tư pháp (phòng có chức năng xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp, 1 Phó Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật)”.

Đại biểu cho rằng, quy định như trên là chưa phù hợp, chưa bao quát được hết các đối tượng là cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị ở địa phương trực tiếp, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, pháp chế. Cụ thể, thứ nhất, theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 2 Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14, ngày 18/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh thì văn phòng có chức năng “Tham mưu, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH trong công tác xây dựng pháp luật, thảo luận, góp ý kiến về các nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Nhiệm vụ này đang do công chức Phòng Công tác Quốc hội thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp thực hiện. Đây cũng là bộ phậm tham mưu cho Đoàn ĐBQH các nội dung liên quan đến tất cả các dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật trình tại các kỳ họp Quốc hội.

Thứ hai, trên thực tế hiện nay ở các địa phương, các ban của HĐND tỉnh đều nghiên cứu, thẩm tra trình HĐND chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách, cơ chế đặc thù, các nghị quyết chưa có quy phạm pháp luật. Các nội dung này do cán bộ, công chức Phòng Công tác HĐND trực tiếp tham mưu, do đó việc chỉ quy định Ban Pháp chế thuộc HĐND cấp tỉnh (đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách) là chưa phù hợp, chưa bảo đảm sự công bằng. Đề nghị sửa đổi quy định tại mục 6, phụ lục I theo hướng đối tượng cán bộ, công chức được hưởng hỗ trợ hằng tháng theo quy định dự thảo nghị quyết bao gồm: “Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh (công chức văn phòng tham mưu, giúp việc trực tiếp ĐBQH, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh); Sở Tư pháp (phòng có chức năng xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp, 1 Phó Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật).

Về thu hút, sử dụng tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp xây dựng pháp luật (điều 9), dự thảo nghị quyết quy định cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại điều 2 nghị quyết này được tự chủ lựa chọn cách thức, tổ chức, cá nhân hợp tác, được ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài để đặt hàng và tự quyết định tiêu chí xác định chuyên gia, tổ chức tư vấn và chịu trách nhiệm về chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Việc trao toàn quyền cho cơ quan, đơn vị trong lựa chọn tổ chức, cá nhân hợp tác, xác định tiêu chí chuyên gia, tổ chức tư vấn; ký kết hợp đồng trong nước và nước ngoài mà không có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục là chưa bảo đảm tính minh bạch, khách quan và dễ phát sinh tùy tiện trong áp dụng.

Mặt khác, hoạt động hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài cần được kiểm soát về điều kiện, giới hạn và nghĩa vụ pháp lý nhằm bảo đảm an toàn pháp lý, bảo mật thông tin và quyền lợi của Nhà nước, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Do đó, cần bổ sung quy định về tiêu chí, trình tự, điều kiện lựa chọn chuyên gia, tổ chức, cá nhân tư vấn trong nước và nước ngoài.

Về khoán chi trong công tác xây dựng pháp luật, qua nghiên cứu danh mục tổng mức chi trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại phụ lục II, đại biểu nhận thấy các định mức này ở mức rất cao so với quy định hiện hành như: đối với bộ luật mới, bộ luật thay thế hiện hành thì mức dự kiến gấp 5 lần quy định hiện hành; đối với luật mới, luật thay thế luật hiện hành thì mức dự kiến gấp 9 lần quy định hiện hành; đối với nghị quyết của Quốc hội thì mức dự kiến gấp 7 lần mức hiện hành. Do vậy, cần làm rõ tính khả thi trong bảo đảm ngân sách cho việc thực hiện mức khoán chi tại phụ lục II khi một số định mức chi được đề xuất ở mức rất cao (gấp 5 - 9 lần so với mức chi hiện hành cho cùng loại nhiệm vụ) và việc xác định mức chi cần xác định trên cơ sở đánh giá đầy đủ về nguồn lực thực tế, tính hợp lý của các yếu tố cấu thành định mức cũng như tác động đến trần ngân sách và tính bền vững để thực hiện lâu dài.

Lê Điệp

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bao-dam-quy-dinh-day-du-doi-tuong-thu-huong-chinh-sach-3177221.html