Hoàn thiện khung pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân

Ngày 16/5, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về hai dự thảo Nghị quyết của Quốc hội: Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; và một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh BÙI GIANG)

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh BÙI GIANG)

Yêu cầu hoàn thiện công tác hậu kiểm

Đa số đại biểu tán thành với việc ban hành dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; cho rằng, việc này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng tại các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, nhất là Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Về nguyên tắc quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân, nhiều ý kiến tán thành với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhất là trong quản lý điều kiện kinh doanh; cho rằng đây là hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo và mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì chính sách này dễ trở thành kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng. Thực tế cho thấy, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh.

Do đó, đại biểu đề nghị, cần bổ sung rõ các yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm: liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; kiểm tra thực địa; ứng dụng công nghệ số trong giám sát và chế tài đủ sức răn đe…

Về vấn đề tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) nhấn mạnh, đây là nội dung then chốt, giải quyết điểm nghẽn quan trọng trong chiến lược phát triển doanh nghiệp tư nhân, nhưng cần thiết lập chiến lược sử dụng đất đồng bộ, minh bạch, bền vững gắn với hỗ trợ doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ đất đai cần dựa trên các nguyên tắc cốt lõi, trong đó bảo đảm đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai (sửa đổi), tránh tình trạng để dành đất nhưng không thể sử dụng hoặc mâu thuẫn với quy hoạch hiện hành...

Hoàn thiện đối tượng thụ hưởng chính sách đặc biệt

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, các đại biểu Quốc hội khẳng định, việc Quốc hội ban hành một Nghị quyết chuyên biệt, có tính đột phá, tạo cơ chế đặc thù về tài chính, nhân lực, công nghệ cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là hoàn toàn xứng đáng và đúng tầm với vai trò quan trọng, chiến lược của công tác này.

Về vấn đề đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định đối tượng phải được rà soát theo quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) đề nghị bổ sung đối tượng được thụ hưởng chế độ chính sách đặc biệt tại địa phương, gồm: Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại địa phương; công chức văn phòng tham mưu, giúp việc trực tiếp; đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh và các đối tượng liên quan.

Đồng thời, cần xem xét quy định nguyên tắc mức hưởng hỗ trợ tương ứng với khả năng kinh nghiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật để cho phù hợp hơn.

Cân nhắc kỹ lưỡng việc điều chỉnh mức xử phạt hành chính

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

Về việc tăng bốn lần giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục vi phạm hành chính không lập biên bản theo dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhiều đại biểu đề nghị, cần cân nhắc điều kiện kinh tế-xã hội, bảo đảm ngăn ngừa tiêu cực, sai phạm trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính để nghiên cứu kỹ lưỡng mức phạt, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Có đại biểu nhận định, việc xử phạt hành chính không lập biên bản chỉ nên áp dụng đối với những vi phạm nhẹ, không phức tạp, không gây hậu quả nghiêm trọng.

Đồng tình với ý kiến nêu trên, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về việc xử phạt không có biên bản sẽ dễ dẫn đến sự tùy tiện, nhất là khi phát sinh khiếu nại. Cũng theo đại biểu, mức phạt một triệu đồng vẫn là khoản tiền không nhỏ đối với một bộ phận người dân.

Vì vậy, cần làm rõ cơ sở tăng mức phạt theo nhiều yếu tố như thu nhập, sức mua, mức lạm phát và quan trọng hơn cả là mức độ, yêu cầu đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-de-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-post880327.html