Bảo đảm quyền của người bệnh
Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, các đại biểu Quốc hội khóa XV có nhiều ý kiến cho rằng, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) cần được sửa đổi để thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Anh Trí thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật BHYT cần được sửa theo hướng người có thẻ BHYT muốn khám, chữa bệnh ở đâu cũng được, không phải đi xin giấy chuyển viện, miễn phù hợp với tình trạng bệnh…
Ngay sau khi được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến nêu trên đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận và cộng đồng mạng. Bởi thực tế hiện nay cho thấy, mỗi lần đi khám, chữa bệnh thì bệnh nhân hoặc người thân không những phải chịu rất nhiều phiền toái mà còn mất thời gian và mệt mỏi vì chờ đợi để xin giấy chuyển viện. Bên cạnh đó, việc trước đây quy định các trường hợp khám, chữa bệnh BHYT phải đúng tuyến mới được hưởng đầy đủ quyền lợi đã gây không ít khó khăn và thiệt thòi cho người bệnh. Đặc biệt, khi chưa liên thông, kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế cùng hạng nhưng không công nhận một số kết quả xét nghiệm của nhau đã khiến bệnh nhân phải chịu tốn kém.
Đặc biệt, tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 14/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về việc cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện chuyển người bệnh lên tuyến trên hoặc cùng tuyến theo thủ tục: …Bệnh viện chuyển người bệnh đi phải thông báo cụ thể về tình trạng của người bệnh và những yêu cầu hỗ trợ để cơ sở khám, chữa bệnh nơi chuyển đến có biện pháp xử trí phù hợp. Tiếp đó, giao giấy chuyển tuyến cho người hộ tống hoặc người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh để chuyển tới cơ sở khám, chữa bệnh dự kiến chuyển người bệnh đến. Cuối cùng là bàn giao người bệnh, giấy chuyển tuyến cho cơ sở khám, chữa bệnh nơi chuyển đến. Và với những quy định nêu trên, ngành y tế đã tự làm khó cũng như gây tốn kém về vật tư, nhân lực cho các cơ sở khám, chữa bệnh và không phù hợp quy định về quyền của bệnh nhân.
Trong khi đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành đã quy định rất rõ quyền được lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với điều kiện thực tế, quyền được từ chối điều trị của người bệnh. Tức là người bệnh được quyền từ chối khám, chữa bệnh và rời khỏi cơ sở mình đang điều trị. Theo đó, thầy thuốc không có quyền ép buộc người bệnh khám, chữa bệnh trừ các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc bệnh tâm thần có hành vi nguy hiểm đối với cộng đồng. Do đó, việc bệnh nhân hoặc người thân xin được chuyển tuyến là hoàn toàn chính đáng. Ngược lại, hành vi từ chối cho bệnh nhân chuyển viện của bác sĩ là phạm luật.
Tuy nhiên, hiện giấy chuyển tuyến là công cụ phân tuyến kỹ thuật. Nếu bỏ giấy, để bệnh nhân tự đăng ký ở bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh nào, trước mắt các bệnh viện tuyến trên sẽ hưởng lợi. Vì người dân thường có tâm lý bệnh viện tuyến trên có cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ bác sĩ cao hơn nên người bệnh đến khám sẽ đông hơn. Điều này về lâu dài sẽ gây áp lực quá tải cho bệnh viện tuyến trên và phá vỡ hệ thống y tế tuyến dưới. Vậy vấn đề đặt ra là ngành y tế cần có giải pháp căn cơ như thế nào để ngăn tâm lý của người dân “cứ có bệnh là lên tuyến trên”. Trước hết, trách nhiệm của ngành y tế là phải bảo đảm để hệ thống y tế cơ sở làm tốt việc khám, chữa bệnh, đồng thời phải tạo niềm tin cho người bệnh vào chuyên môn của hệ thống y tế cơ sở.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/151394/bao-dam-quyen-cua-nguoi-benh