Bảo đảm quyền lợi của học sinh ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Vụ hàng trăm học sinh Học viện Múa Việt Nam không được cấp bằng, gây xôn xao dư luận trong tuần qua, đến nay đã được Bộ VH-TT-DL và Bộ GD-ĐT phối hợp giải quyết. Tuy vậy, qua vụ việc này cho thấy hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều vấn đề, quyền lợi học tập của học sinh chưa được đảm bảo.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có chức năng dạy bổ túc văn hóa
Ông Trần Văn Hải, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, cho biết có 273 học viên vào trường từ năm 2012 đến năm 2016, đặc biệt là những em học hệ cao đẳng, bị vướng mắc về bằng cấp do “lỗi kỹ thuật”. Cụ thể, với bằng THCS và THPT, trường dạy theo Quyết định 92 về chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp thuộc ngành múa.
Theo quy định, sau khi hoàn thành chương trình trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), học sinh được cấp bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT, nhưng vẫn được thi lên đại học ở các trường nhóm văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở lại đây, theo quy định, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) để bổ túc văn hóa cho học sinh, không được tổ chức dạy văn hóa như trước. Do Học viện Múa Việt Nam khi đó “chưa nhận thấy nhu cầu” nên đã không liên kết với trung tâm GDTX để bổ túc văn hóa cho học sinh, do đó dẫn đến tình trạng các em học xong không có bằng THCS, THPT, bởi việc đào tạo văn hóa của học viện là không đúng quy định.
Ngoài vấn đề bằng tốt nghiệp THCS và THPT, sinh viên cao đẳng chính quy ngành diễn viên múa của Học viện Múa Việt Nam còn không được cấp bằng TCCN. Lý do, từ năm 2012, trường xin phép mở chương trình tích hợp đặc thù, tuyển sinh đầu vào là trung cấp và đầu ra là cao đẳng. Tuy nhiên, khi thực hiện nhà trường để xảy ra “lỗi kỹ thuật”, không đăng ký đầu vào là trung cấp với Bộ GD-ĐT mà chỉ đăng ký đầu ra là cao đẳng. Vì vậy, khi hết giai đoạn 1 (trung cấp) để chuyển sang giai đoạn 2 (cao đẳng), trường không được cấp bằng TCCN. Việc đào tạo này của học viện đã khiến hàng trăm em học sinh “chết dở”. Để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, Bộ GD-ĐT đã cho phép Học viện Múa Việt Nam cấp bằng tốt nghiệp TCCN và giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa THPT cho những học viên gặp vướng mắc về bằng cấp.
Từ vụ việc này, dư luận đặt ra vấn đề đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh. Bộ GD-ĐT khẳng định, theo quy định của Luật Giáo dục 2019, chỉ có trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX được thực hiện chương trình GDTX cấp THPT.
Cụ thể, chương trình GDTX lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm: đối với giáo dục phổ thông là chương trình GDTX cấp THCS và THPT (Bộ GD-ĐT cấp phép); đối với giáo dục nghề nghiệp là chương trình GDTX trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng (Bộ LĐTB-XH cấp phép); đối với trình độ đại học là chương trình GDTX trình độ đại học (Bộ GD-ĐT cấp phép). “Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có chức năng giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT. Từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT cũng chưa có quy định cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT”, ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ GDTX (Bộ GD-ĐT), khẳng định.
Với những học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp, có nguyện vọng học đồng thời chương trình GDTX cấp THPT để dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT thì các trường trung cấp, cao đẳng cần phối hợp với trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX đóng trên địa bàn để các trung tâm tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT. Các trung tâm GDTX sẽ cử giáo viên đến các trường trung cấp, cao đẳng nghề để dạy chương trình GDTX cấp THPT cho học sinh.
Sẽ quy định rõ
Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định: “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng”. Theo ông Hoàng Đức Minh, mặc dù Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, nhưng để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT chưa có đủ cơ sở khoa học để ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng. Do đó, trong thời gian chuyển tiếp, ngày 23-6-2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn số 2691/BGDĐT-GDĐH về việc phối hợp một số hoạt động trong giáo dục nghề nghiệp, cho phép các trường cao đẳng, trung cấp tổ chức giảng dạy và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng”. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện và ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp học lên trình độ cao đẳng phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thông tư này sẽ theo hướng, khối lượng kiến thức văn hóa THPT dạy trong trường nghề phải phù hợp với ngành nghề đào tạo của học sinh và đủ để học sinh theo học trình độ cao hơn ở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, đối với học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp, nếu chỉ có nhu cầu học khối lượng kiến thức văn hóa THPT để học lên trình độ cao đẳng, các trường trung cấp, cao đẳng tổ chức dạy khối lượng kiến thức văn hóa này theo quy định và cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT để học lên trình độ cao đẳng theo quy định. Với học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp, nếu có nguyện vọng đồng thời học chương trình GDTX cấp THPT để dự thi tốt nghiệp THPT, các trường trung cấp, cao đẳng phải phối hợp với trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX để các trung tâm chủ trì việc tổ chức dạy chương trình GDTX cấp THPT đảm bảo chất lượng.