Bảo đảm quyền lợi của lao động nữ trong Luật Công đoàn
Thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ là một trong những nhiệm vụ của tổ chức công đoàn thông qua các hoạt động nữ công công đoàn.
Sáng 17/5, tại Hà Nội, Ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức hội thảo đề xuất chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền cho lao động nữ trong dự thảo Luật Công đoàn.
Thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động công đoàn
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương nhấn mạnh: Hội thảo nhằm xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các cán bộ công đoàn và người lao động vào dự thảo Luật Công đoàn tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.
Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử về giới trong mọi lĩnh vực. Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế với cam kết thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc và quyền bình đẳng của người lao động tại nơi làm việc.
Thông qua hội thảo, tổng hợp và đề xuất các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ được quy định trong Luật Công đoàn, giúp người lao động ổn định đời sống, việc làm và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với lao động nữ trong quá trình tổ chức công đoàn tham gia với Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật cho người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng - đồng chí Thái Thu Xương khẳng định.
Đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung 6 vấn đề
Phó Ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Phạm Thu Phương cho biết: Quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), chúng tôi nhận thấy kết cấu của Luật ngắn gọn nhưng nội dung lại rất lớn, cô đọng.
Làm thế nào để chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền cho lao động nữ được thể hiện rõ nét và đầy đủ nhất trong Luật là việc hết sức cần thiết, thể hiện vai trò của Công đoàn trong xây dựng pháp luật.
Theo đó, hội thảo tập trung lấy ý kiến của các chuyên gia nhằm kiến nghị 6 nhóm vấn đề.
Cụ thể, bổ sung quy định “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”; Trao quyền cho tổ chức công đoàn trong việc chủ động thực hiện giám sát, đồng thời, bổ sung, sửa đổi về các hình thức giám sát, quyền của tổ chức công đoàn trong hoạt động giám sát;
Bổ sung quy định quyền của đoàn viên công đoàn được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ thông tin với tổ chức công đoàn về lao động, việc làm, đời sống; Người lao động được công đoàn tư vấn, hỗ trợ xây dựng đời sống gia đình, nuôi dạy, chăm sóc con theo đúng chức năng, nhiệm vụ tổ chức công đoàn hiện nay đang thực hiện;
Bảo đảm về tổ chức, cán bộ theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách; Kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ về dân số, gia đình, trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn nhằm tạo thuận lợi cho công đoàn các cấp được triển khai hoạt động.
Góp ý tại hội thảo, PGS.TS Trần Thị Thúy Lâm (Đại học Luật Hà Nội) cho biết: Điều 14 Luật Công đoàn năm 2012 quy định: Tổ chức Công đoàn tham gia, phối hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đây là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn. Thông qua hoạt động này, công đoàn nắm bắt được việc thực hiện chính sách chế độ, quyền lợi của người lao động.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thị Thúy Lâm, việc Luật Công đoàn năm 2012 quy định Công đoàn có quyền thanh tra rồi mới đến quyền kiểm tra, giám sát là chưa phát huy được hết vai trò của Công đoàn. Cần phải đặt hoạt động kiểm tra lên trước hoạt động thanh tra mới là phù hợp. Hoạt động này hết sức cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng.
Vấn đề về đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ, TS Phạm Thị Thu Lan cho biết đây là một trong các điểm mới, rất tiến bộ của dự thảo Luật, nhằm bảo đảm quyền cho lao động nữ cũng như thúc đẩy bình đẳng giới.
Thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc được dự thảo Luật đề cập tại nội dung quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động và các nhiệm vụ được sử dụng tài chính công đoàn. Thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc góp phần hiệu quả trong việc bảo đảm quyền của lao động nữ tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, TS.Phạm Thị Thu Lan cho rằng, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) chỉ đề cập đến việc tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động không kỳ thị, phân biệt đối xử, ở đây chỉ bàn về kỳ thị, phân biệt đối xử về giới đối với lao động nữ. Tuy nhiên, điều này xảy ra chủ yếu do định kiến, sự chủ quan về nhận thức của con người.
Các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử rất khó để nhận biết và tác động do sự ủng hộ của người quản lý. Do vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động, giáo dục theo như Dự thảo đề cập nhằm thay đổi quan điểm, nhận thức, dần loại bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với lao động nữ, công đoàn cũng cần thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi phát hiện hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử đối với lao động nữ theo quyền và nghĩa vụ quy định tại điều 11 của dự thảo Luật.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cho ý kiến góp ý một số nội dung liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của lao động nữ như: đánh giá tình hình thực hiện chính sách đối với lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới được quy định trong Luật Công đoàn hiện nay; việc thực hiện lồng ghép giới trong dự thảo Luật Công đoàn; các quy định liên quan đến lao động nữ trong dự thảo Luật Công đoàn; đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến quyền của lao động nữ trong dự thảo Luật Công đoàn.
Những ý kiến tại hội thảo là cơ sở để Tổng Liên đoàn đề xuất Quốc hội ban hành các chính sách phù hợp đối với lao động nữ trong thời gian tới.
Theo Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Công đoàn sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp thứ 8, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người lao động, trong đó có lao động nữ.