Bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh toàn ngành bảo hiểm xã hội đẩy mạnh phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; giải quyết chế độ chính xác, kịp thời.
Chiều 10/1, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2022 với sự tham dự của 5.000 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam; cán bộ, công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội.
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo.
Kỷ cương, sáng tạo
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết năm qua, toàn ngành luôn đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, đổi mới, trách nhiệm, quyết liệt hành động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kế hoạch được giao; bám sát và triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Đảng và Chính phủ như tích cực phối hợp và chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương trong việc kiến nghị, đề xuất sửa đổi các chính sách, pháp luật liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để từng bước hoàn thiện đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
Mặc dù trong điều kiện rất khó khăn do dịch COVID-19 nhưng các chỉ tiêu đạt được trong năm 2021 đều cao hơn năm 2020. Nổi bật là số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt hơn 16,5 triệu người, tăng 22,5% so với năm 2020, đạt 33,17% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với năm 2020, đạt 27,34% lực lượng trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ là 91,01% dân số, là 1 trong 7 chỉ tiêu chủ yếu của Chính phủ hoàn thành trong năm 2021.
Đáng chú ý, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, là một trong những điểm sáng. Đến nay, có hơn 1,45 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 28,9% so với cùng kỳ, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,96% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho những lao động, người sử dụng lao động.
Đồng thời, toàn ngành quyết liệt triển khai chính sách với tinh thần không quản ngày đêm để thực hiện nhanh nhất, cải cách nhất và hiệu quả nhất, sớm đến người lao động và người sử dụng lao động.
Đặc biệt là gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khoảng 38.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ. Đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay, phát huy lợi thế của hệ thống công nghệ thông tin, đã hoàn thành trước thời hạn.
Quản lý quỹ an toàn, bền vững và hiệu quả
Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh thông tin với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ; trong bối cảnh số lượng phục vụ ngày càng tăng, khối lượng công việc ngày càng nhiều (quản lý trên 16 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; trên 88 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tương tác thường xuyên với trên 90% dân số, trên 600.000 đơn vị, doanh nghiệp), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giao dịch điện tử trong các mảng nghiệp vụ.
Trong thời gian dịch bệnh, đã đa dạng, linh hoạt các phương thức giải quyết chế độ và chi trả; đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt.
Năm 2021, toàn ngành đã đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với gần 15.000 điểm chi trả đến cấp xã; trên 738.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 125,96 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Trong bối cảnh dịch bệnh, toàn ngành đã chủ động rà soát để tiết kiệm từ 10-15% chi phí quản lý. Với phương châm quản lý quỹ an toàn, bền vững và hiệu quả, tổng số dư các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến hết tháng 12/2021 tăng 9% so với cuối năm 2020.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn nhất thị trường trái phiếu Chính phủ, giúp Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô, huy động nguồn vốn lãi suất thấp, phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội quốc gia.
Năm 2021, đại dịch COVID-19 với tính chất phức tạp, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình kinh tế-xã hội của cả nước, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch với 4 tháng giãn cách xã hội.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho biết, lãnh đạo thành phố đã xác định nhiệm vụ chính trị quan trọng là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là các chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột của cả hệ thống an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị, xã hội.
Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố. Với sự đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, kết quả các chỉ tiêu cơ bản đáp ứng yêu cầu. Thành phố có 2,29 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đạt 101,4% kế hoạch, trên 51 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, số người tham gia bảo hiểm y tế là 8,16 triệu.
Sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ
Đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều cố gắng, thích ứng linh hoạt, thực hiện sáng tạo các giải pháp bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận những kết quả đạt được của ngành góp phần ổn định kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch. Các chính sách mà ngành tham mưu, thực hiện đã đạt được sự đồng thuận rất cao trong xã hội.
Chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Phó Thủ tướng lưu ý ngoài mục tiêu mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung của Nghị quyết 28 để đưa ra giải pháp cụ thể, sát chỉ tiêu.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; rà soát các vướng mắc pháp luật liên quan đến quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đề xuất sớm với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các nghị quyết của Trung ương và tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; giải quyết chế độ đảm bảo chính xác, kịp thời, thuận tiện; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ người dân, khuyến khích giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và chi trả không dùng tiền mặt; triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả chế độ, chính sách cho các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tập trung thu hồi các khoản chi sai mục đích, sai quy định, các khoản nợ đóng, chậm đóng.
Quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp an toàn, bền vững và hiệu quả, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; chống tiêu cực, tham nhũng.
Sắp tới, Chính phủ sẽ triển khai Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, sẽ huy động nguồn lực rất lớn, Bảo hiểm xã hội cần nghiên cứu dành phần lớn quỹ để tham gia vào chương trình này.
Theo Phó Thủ tướng, các cơ chế, chính sách đã cơ bản đầy đủ, nguồn lực đã có, ngành đã thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số, yếu tố quan trọng hàng đầu giờ đây là con người. Toàn ngành cần rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức cần đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với chuyển đổi số.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn và 3 đơn vị cũng vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động do Phó Thủ tướng trao tặng./.