Bảo đảm quyền lợi của người thụ hưởng sản phẩm trong hoạt động quảng cáo

Chiều 23/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cùng dự.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng

Phát biểu tại phiên họp, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa và thị trường thương mại tự do.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở trình bày tại phiên thẩm định

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở trình bày tại phiên thẩm định

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển thì việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo cụ thể hóa 3 Chính sách cụ thể về hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; hoàn thiện quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời.

Cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo do mình trực tiếp thực hiện

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề nghị quy định rõ trách nhiệm báo cáo Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ TT&TT thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.

Về nội dung kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo, Bộ TT&TT đề nghị quy định cụ thể về việc kiểm tra các tài liệu liên quan đến các tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo và nội dung quảng cáo, đảm bảo phù hợp với tài liệu đã cung cấp, phù hợp theo quy định pháp luật về quảng cáo và thực hiện thủ tục có liên quan theo hợp đồng dịch vụ quảng cáo; chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo do mình trực tiếp thực hiện hoặc trường hợp thuê bên khác thực hiện; từ chối cung cấp dịch vụ quảng cáo trong trường hợp các tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đáp ứng quy định về quảng cáo hoặc có nội dung quảng cáo không phù hợp với tài liệu được cung cấp và quy định pháp luật.

Về nội dung quảng cáo trên mạng xã hội, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo bổ sung quy định về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức khác không phải cơ quan nhà nước và bổ sung nội dung quy định liên quan đến quảng cáo trên mạng xã hội; nghiên cứu, sửa đổi theo hướng những quy định hiện đang áp dụng cho báo nói, báo hình cần được áp dụng phù hợp cho hoạt động quảng cáo trên nền tảng số, bao gồm hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

Đại diện một số Bộ, ngành phát biểu góp ý.

Đại diện một số Bộ, ngành phát biểu góp ý.

Cùng với đó, đại diện Bộ Y tế đề nghị bổ sung quy định về cấm quảng cáo “sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai” trong dự thảo Luật vì nội dung này đã được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 06/11/2014 của Chính phủ, tuy nhiên theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật.

Đại diện Bộ Xây dựng đề nghị cần phải đánh giá kỹ tác động việc đề xuất bãi bỏ quy định về cấp giấy phép xây dựng đối với bảng quảng cáo có diện tích một mặt từ 20m2; rà soát, nghiên cứu giữ nguyên quy định về yêu cầu cấp giấy phép xây dựng, đồng thời bổ sung hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo phải có kết quả kiểm định chất lượng công trình xây dựng của tổ chức kiểm định xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đối với biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt dưới 20m2, cần tổng kết đánh giá thi hành luật, đề xuất quy định quản lý chặt chẽ và toàn diện hơn.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu tại phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của cơ quan chủ trì soạn thảo; sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Thứ trưởng khẳng định các nội dung trong Dự thảo bảo đảm phù hợp với các nội dung được phê duyệt tại Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 06/10/2023 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2023; kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiến hành rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để bảo đảm các nội dung chính sách đã đề xuất sửa đổi, bổ sung có tính thống nhất, đồng bộ với các Luật đã được ban hành như Luật Báo chí, Luật cạnh tranh, Luật bảo vệ người tiêu dùng; rà soát, bảo đảm sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, bổ sung, làm rõ thêm các quy định tăng cường hiệu quả các cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về một số nội dung như: yêu cầu về nội dung quảng cáo; điều kiện đảm bảo nguồn lực thi hành luật; bảo đảm sự phù hợp giữa quảng cáo với sản phẩm báo chí trong đó chú trọng bảo đảm quyền lợi của người thụ hưởng sản phẩm; việc cấp phép xây dựng biển quảng cáo bảo đảm sự phù hợp với quy chuẩn, quy hoạch chung đô thị, bảo đảm an toàn chịu lực của công trình với môi trường xung quanh…

Minh Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-dam-quyen-loi-cua-nguoi-thu-huong-san-pham-trong-hoat-dong-quang-cao-post513460.html