Bảo đảm quyền lợi người dân tham gia bảo hiểm y tế và cơ sở y tế
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến đầu tháng 11, tỷ lệ sử dụng dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) toàn quốc là 79,1%, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 20 tỉnh, thành phố có tỷ lệ sử dụng cao hơn dự toán. Tổng số lượt khám, chữa bệnh BHYT là hơn 121,3 triệu lượt với số chi BHYT hơn 97.000 tỷ đồng; bình quân quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân điều trị nội trú hơn 5 triệu đồng/lượt.
Bảo đảm quyết toán đúng, đủ và kịp thời cho cơ sở y tế
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Tất Thao, tính đến đầu tháng 11, tỷ lệ sử dụng dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT toàn quốc là 79,1%, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, 20 tỉnh, thành phố có tỷ lệ sử dụng dự toán cao hơn bình quân chung toàn quốc. Tỷ lệ một số dịch vụ kỹ thuật vẫn mức cao như tỷ lệ chi xét nghiệm/tổng chi toàn quốc là 10,1%; chi chẩn đoán hình ảnh là 7,6%; chi phẫu thuật thủ thuật là 18,1%; chi thuốc là 34,7%. Số chi vật tư y tế chiếm 11,1% tổng chi, nhưng tính trên số tiền thì gia tăng 33,2% so với 10 tháng năm 2021...
Theo thống kê của Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tỷ lệ chỉ định vào viện điều trị nội trú toàn quốc trong 10 tháng năm 2022 là 10,3%. Trong đó, có 32 tỉnh có tỷ lệ vào điều trị nội trú cao hơn bình quân chung toàn quốc. Tại 5 tỉnh có tỷ lệ cao nhất toàn quốc, tỷ lệ này tăng lên ở mức đáng lo ngại là Hà Giang 19,61%; Sơn La 19,16%; Thanh Hóa 18,33%; Lào Cai 17,85%; Vĩnh Phúc 17,68%.
Riêng với khám, chữa bệnh nội trú trái tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh, cả nước có hơn 2 triệu lượt khám, chữa bệnh, tăng 39,6%, gần bằng 575.000 lượt khám, chữa bệnh. Tổng chi khám, chữa bệnh BHYT là hơn 10.701 tỷ đồng, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vẫn còn một số tồn tại trong công tác giám định BHYT khi cơ sở khám, chữa bệnh chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về thông tin, dữ liệu. Số liệu thống kê hết tháng 10 của phần mềm giám định BHYT ghi nhận kết quả từ chối qua giám định 555,4 tỷ đồng, trong đó từ chối tự động hơn 81 tỷ đồng/gần 940 nghìn hồ sơ, từ chối chủ động trên 474 tỷ đồng.
Nhiều tỉnh, thành phố chi trả BHYT vượt dự toán
Theo Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số liệu các cơ sở đề nghị quyết toán ghi nhận trên Hệ thống giám sát của 63 tỉnh, thành phố ghi nhận số lượt khám, chữa bệnh BHYT tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2021 trong 10 tháng qua. Tổng số chi khám, chữa bệnh BHYT tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, tổng số lượt khám, chữa bệnh BHYT là hơn 121,3 triệu lượt, với tổng số chi BHYT là trên 97.000 tỷ đồng. Tính bình quân chi mỗi lượt khám, chữa bệnh ngoại trú là 329.871 đồng/lượt và chi cho bệnh nhân điều trị nội trú là 5.044.308 đồng/lượt.
Theo Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Văn Phúc, căn cứ tình hình thực hiện chi khám, chữa bệnh BHYT 10 tháng năm 2022, ước sử dụng dự toán cả năm 2022 trên toàn quốc là 99%. Ước tính sẽ có 18 tỉnh vượt dự toán năm 2022 được Chính phủ giao, một số địa phương có tỷ lệ vượt dự toán cao như Hà Tĩnh, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Đồng Nai, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu BHXH các địa phương phân tích rõ các chi phí bất thường, các nhóm dịch vụ kỹ thuật, sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý. Chủ động phối hợp với Sở Y tế thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng lạm dụng, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT chưa tiết kiệm, báo cáo UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo để đạt mục tiêu quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện chuẩn hóa dữ liệu theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Từ 1.1.2023, Hệ thống Thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chỉ tiếp nhận những đề nghị thanh toán trên dữ liệu đạt chuẩn.