Bảo đảm quyền lợi người lao động khu vực phi chính thức
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới công bố số liệu: Hơn 61% dân số, tương đương hai tỷ người có việc làm trên thế giới đang làm việc trong khu vực phi chính thức. Tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức chiếm 57,2%, tương đương hơn 18 triệu người.
Chính sách & cuộc sống
Các nghiên cứu về lao động khu vực này cho thấy, lực lượng lao động này có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần lấp đầy khoảng trống thiếu hụt việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, các chính sách an sinh xã hội vẫn chưa bao phủ lên số đông nhóm lao động này.
Tại Việt Nam, lao động phi chính thức được xác định dựa trên việc làm không chính thức. Nghĩa là người lao động tự đào tạo nghề cho bản thân mình, tự tạo công việc, không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được hưởng lương cố định. Lao động phi chính thức thường gặp nhiều rủi ro bởi việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài. Họ thường không được tổ chức công đoàn đứng lên bênh vực quyền lợi. Tất cả những thiệt thòi ấy dẫn theo việc người lao động khu vực phi chính thức khó tiếp cận được các dịch vụ, an sinh xã hội cũng như cơ hội để thăng tiến.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội, tiền lương bình quân của lao động phi chính thức thấp hơn lao động chính thức ở tất cả các vị thế việc làm. Nếu như tiền lương bình quân của lao động chính thức rơi vào khoảng sáu đến bảy triệu đồng/tháng thì tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ khoảng 4,4 triệu đồng/tháng.
Trước tình trạng lao động phi chính thức dù có việc làm nhưng bấp bênh, thiếu ổn định, các chuyên gia về lao động công đoàn cho rằng, cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm mở rộng sự bảo vệ nhóm đối tượng này. Cụ thể, khi chuyển đổi khu vực phi chính thức thành khu vực chính thức cần có các chương trình hành động cụ thể, khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký thành lập dưới các hình thức doanh nghiệp. Nếu đủ số lượng quy định sẽ tổ chức thành lập công đoàn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới trên thế giới mỗi năm. Lao động Việt Nam vốn năng động, nhất là lao động trẻ, họ sẵn sàng bỏ công việc tại các doanh nghiệp, công ty về nhà tự tạo việc làm như bán hàng trên mạng. Có thể thấy rõ, cuộc cách mạng công nghệ đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới hơn, tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng có thể lường trước những khó khăn khi tham gia, gia nhập thị trường này.
Bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với lực lượng lao động tại khu vực phi chính thức, là bài toán cần tìm lời giải của các cơ quan chức năng. Muốn thúc đẩy chuyển dịch lao động phi chính thức, cần tăng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại địa phương, doanh nghiệp nhằm tái cơ cấu ngành kinh tế. Trong đó, chú trọng tới đào tạo, nâng cao chất lượng lao động cho lao động nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là cách thức hạn chế lao động phi chính thức trong lĩnh vực này.