Bảo đảm quyền lợi người lao động qua bản thỏa ước

Liên đoàn Lao động các quận đã nỗ lực thuyết phục, phối hợp các doanh nghiệp đóng tại địa bàn ký thỏa ước lao động nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người lao động, nhất là ở những doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở.

Liên đoàn Lao động các quận đã nỗ lực thuyết phục, phối hợp các doanh nghiệp đóng tại địa bàn ký thỏa ước lao động nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người lao động, nhất là ở những doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở.

Bảo đảm quyền lợi tốt hơn

Nói về bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLÐTT) đã ký cuối năm 2019 với Công ty cổ phần IT Việc đóng tại phường Đa Kao, quận 1, bà Trương Thị Minh Dung, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận 1 nhận định: Ðây là bản thỏa ước mang lại rất nhiều phúc lợi cho người lao động (NLĐ) làm việc tại đơn vị như: NLĐ được tham quan nghỉ mát (không quá 15 triệu đồng/người/năm); hỗ trợ tiền ăn trưa (cao nhất 800 nghìn đồng/người); trích thưởng cho NLĐ từ 10 đến 20% giá trị thu được từ các sáng kiến, cải tiến và từ 10 đến 50% giá trị nguyên vật liệu tiết kiệm (công ty sẽ xem xét và phát thưởng vào tháng có ý tưởng sáng kiến). Bản thỏa ước còn quy định nhiều điều khoản có lợi cho lao động nữ như: Trong thời gian mang thai chấp hành tốt nội quy lao động sẽ được tiếp tục ký hợp đồng lao động mới khi hợp đồng lao động cũ hết hạn; công ty tổ chức phòng trữ sữa cho lao động nữ sau khi họ sinh con; NLĐ mang thai, có con được công ty hỗ trợ phần quà đến một triệu đồng… Khi vợ sinh con, ngoài quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, NLĐ nam được cộng thêm ba ngày nghỉ hưởng nguyên lương do công ty chi trả khi vợ sinh... Bản TƯLÐTT này được hai bên xây dựng trao đổi trong thời gian hai tháng, sau đó Chủ tịch LÐLÐ quận 1 đại diện tập thể người lao động tại công ty thương lượng và ký với chủ doanh nghiệp, có hiệu lực trong thời gian ba năm. Hiện Công ty cổ phần IT Việc có 34 lao động, ngành nghề kinh doanh là tư vấn, giới thiệu và môi giới lao động, việc làm.

Từ sự giải thích hợp lý, hợp tình của cán bộ LĐLĐ quận 10, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại SIV (quận 10) chuyên ngành thời trang đã thống nhất ký với Chủ tịch LĐLĐ quận 10 bản TƯLĐTT. Công ty được thành lập vào đầu năm 2018, với 30 nhân viên nhưng không có bộ phận công đoàn cho nên mọi chế độ, quyền lợi của người lao động đều được thể hiện trong hợp đồng lao động của từng nhân viên. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại SIV Trương Công Phát chia sẻ: "Những nội dung giao kết giữa chủ doanh nghiệp và người lao động được nêu trong hợp đồng chỉ là những điều khoản chung nhất, là cơ sở để hai bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, khi được công đoàn cấp trên giải thích, vận động, tôi thấy cần thiết cho nên chủ động đề nghị LĐLĐ quận 10 hướng dẫn lập bản thỏa ước với nhiều phúc lợi cao hơn và toàn diện hơn cho người lao động so với hợp đồng lao động". Theo LĐLĐ quận 10, hiện nay, quận có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa có công đoàn cơ sở, hầu hết đơn vị chỉ thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về xây dựng thang bảng lương, nội quy lao động và thực hiện đối thoại định kỳ mà chưa xây dựng TƯLÐTT. Từ năm 2018 đến nay, LĐLĐ quận đã đại diện người lao động ký 15 bản TƯLÐTT với các doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở, mang lại nhiều quyền lợi tốt hơn cho NLĐ.

Hài hòa lợi ích

Chủ tịch LĐLĐ quận 12 Nguyễn Thị Ngoãn cho biết: Thông thường, chủ doanh nghiệp ngại tiếp xúc với các cơ quan chính quyền. Vì vậy, khó khăn nhất trong quá trình thương lượng, ký TƯLÐTT là tiếp cận chủ doanh nghiệp và người lao động để từ đó giúp họ hiểu về tổ chức công đoàn cũng như tầm quan trọng của TƯLÐTT. Nội dung thỏa ước cần phải bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động, làm sao để chủ doanh nghiệp thấy việc ký TƯLÐTT là cần thiết, là cơ sở để hai bên căn cứ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Theo LĐLĐ các quận, huyện, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Nghị định của Chính phủ đều có quy định doanh nghiệp phải xây dựng TƯLÐTT nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ đối với người lao động, nhưng đây lại không được xem là điều kiện bắt buộc. Do đó, phần lớn các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước đã lập TƯLÐTT, còn doanh nghiệp tư nhân chưa quan tâm đến quy định này. Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh Kiều Ngọc Vũ nhận định: Công tác ký TƯLÐTT được hầu hết công đoàn cấp trên quan tâm thực hiện, trong đó số thỏa ước có lợi cho NLĐ tăng so với trước. LĐLĐ thành phố cũng chỉ đạo các cấp công đoàn kết hợp chặt chẽ việc triển khai các hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam với đẩy mạnh chăm lo, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, nhất là gắn với thực hiện quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở. Đồng thời LĐLĐ quận, huyện hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở trong thương lượng tập thể, cụ thể hóa khung tiêu chí đánh giá chất lượng thương lượng tập thể, ký và tổ chức thực hiện TƯLÐTT tại công đoàn cơ sở, thí điểm các mô hình TƯLÐTT mới phù hợp thực tiễn quan hệ lao động tại Việt Nam.

VÕ LÊ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/43296402-bao-dam-quyen-loi-nguoi-lao-dong-qua-ban-thoa-uoc.html