Bảo đảm sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng

Kết luận phiên thảo luận chiều 9.5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng để hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ngân hàng, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung. Ảnh: Hồ Long

Chỉ luật hóa những quy định xử lý nợ xấu trong điều kiện bình thường

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là dự án luật khó, có tính chất đặc thù, vừa phải thúc đẩy hoạt động của tổ chức tín dụng, phục vụ cho doanh nghiệp và người dân, nhưng đồng thời phải kiểm soát được rủi ro, bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng. Cho ý kiến tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự luật có nhiều quy định mới nhằm xử lý tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng. Đồng thời đã tập trung vào các vấn đề như: xử lý nợ xấu, sở hữu chéo, giảm tỷ lệ sở hữu trên một cổ đông, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, cung ứng dịch vụ thanh toán trên nền tảng công nghệ số hiện đại, bổ sung các điều kiện về cấp giấy phép…

Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, vẫn phải tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi và đồng bộ, thống nhất với các luật hiện hành và các dự luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm tới như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Giá (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)…

Quan tâm đến những nội dung giao thoa giữa dự án Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Ban soạn thảo phải chú ý các nội dung như: ngân hàng thương mại sở hữu công ty chứng khoán, nhưng công ty chứng khoán lại hoạt động theo Luật Chứng khoán; giao thoa giữa quy định về bảo hiểm với quy định về ngân hàng hay những sản phẩm ngân hàng có tính chất đầu tư…

Trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực từ ngày 31.12.2023). Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu luật hóa những nội dung tái cơ cấu tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu trong điều kiện bình thường, chứ không phải tất cả các vấn đề của Nghị quyết số 42. “Chỉ xử lý những nội dung nào đúng luật, tức là cho vay đúng luật, nhưng có rủi ro về kinh doanh mà có nợ xấu, còn những vấn đề do ngân hàng làm sai phải trừ vào vốn chủ sở hữu”, Chủ tịch Quốc hội nói. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu luật hóa các quy định trong Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong quản lý tài chính ngân hàng.

Có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm

Nhấn mạnh dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) phải hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển ngân hàng bền vững, hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh cung ứng vốn quan trọng của nền kinh tế, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, phải làm rõ thêm một số vấn đề như: quyền thu giữ tài sản, quyền dự thu (các khoản phải thu trong hoạt động ngân hàng), các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi…

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, cần quy định ngay trong dự thảo Luật các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động ngân hàng như việc lợi dụng người có liên quan nhờ, thuê người đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu, chi phối tại một tổ chức tín dụng; hoặc lách quy định giới hạn tín dụng để cung ứng vốn cho doanh nghiệp sân sau phục vụ lợi ích cho một nhóm cá nhân hoặc tổ chức tạo ra rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tín dụng; quy định cấm nhân viên ngân hàng ép buộc, lôi kéo khách hàng tham gia bảo hiểm, môi giới mua trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định. Đồng thời, có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm, bảo đảm tính răn đe các hành vi vi phạm, kể cả việc đề nghị cơ quan pháp luật xử lý theo quy định, thu giữ tài sản nếu cố tình vi phạm.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu thêm một số quy định đối với công ty tài chính của tổ chức tín dụng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân để phòng, chống nạn tín dụng đen, lợi dụng dịch vụ thu nợ, đòi nợ thuê, gây bất ổn, mất trật tự xã hội.

Một quy định khác cũng nhận được sự quan tâm của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đó là giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần. Đây là biện pháp nhằm hạn chế sự can thiệp, chi phối của cổ động lớn vào quản trị của tổ chức tín dụng, đồng thời tăng tính đại chúng của tổ chức tín dụng. Cụ thể, tại Điều 55, dự thảo Luật điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông là người có liên quan, những cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần tương ứng không vượt quá 5%, 15%, 20% theo luật hiện hành xuống còn 3%, 10% và 15%. Theo các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần làm rõ hơn cơ sở đề xuất các tỷ lệ này; đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo, từ đó đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo hiện nay. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị đánh giá hệ lụy của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi luật có hiệu lực có tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán hay không.

Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 11/NQ – TW ngày 3.6.2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ngân hàng, tăng cường năng lực quản trị, điều hành quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng, các biện pháp quản lý, kiểm soát, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các quy định tại các luật liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và một số dự án Luật đang trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm tới nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, trên nguyên tắc vấn đề gì đã chín, đã rõ có thể đưa vào dự án luật, vấn đề chưa chín, chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/bao-dam-su-an-toan-lanh-manh-va-on-dinh-cua-he-thong-to-chuc-tin-dung-i327411/