Bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện một số quy định mới liên quan lĩnh vực tư pháp

Ngày 11/3, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tập huấn Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ và chuyên sâu một số nội dung Đề án 06/CP liên quan đến lĩnh vực tư pháp.

Quang cảnh điểm cầu chính.

Quang cảnh điểm cầu chính.

Hội nghị được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Điểm cầu chính tại Sở Tư pháp và kết nối với tất cả điểm cầu UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng. Vì thế, những quy định liên quan đến các giấy tờ trên cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp, tạo sự thống nhất, giảm phiền hà cho công dân. Ngày 21/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Tại hội nghị, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh đã trao đổi một số nội dung chính của Nghị định này. Theo đó, công dân có thể sử dụng 4 loại giấy tờ chứng minh cư trú thay thế sổ hộ khẩu là: Căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân.

Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân được thực hiện bằng một trong 4 phương thức sau: Tra cứu qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia; qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia VnelD; sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên căn cước công dân gắn chip); các phương thức khác theo quy định của pháp luật.

Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh trao đổi tại hội nghị.

Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh trao đổi tại hội nghị.

Mới đây, Tổ Đề án 06 Trung ương yêu cầu các đơn vị chỉ đạo, quán triệt 100% cán bộ tiếp dân phải sử dụng các phương thức khai thác thông tin về cư trú khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, tạo thuận lợi tối đa cho công dân.

Trong khuôn khổ chương trình, chuyên viên Phòng Hành chính – Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp trao đổi về quy trình đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và quá trình triển khai thực hiện các thủ tục hành chính thuộc nhóm dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực tư pháp.

Theo Đề án 06, cơ quan đăng ký hộ tịch các cấp tiếp nhận, chuyển xử lý liên thông ba dịch vụ công thiết yếu là đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử; tái cấu trúc liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí; phối hợp thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch giai đoạn 3, 4, 5 trên địa bàn.

Nhân dịp này, các đại biểu trao đổi một số vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đơn cử như thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân nhưng công dân thay đổi nhiều nơi sinh sống, không thể hiện rõ trong giấy tờ. Một số công dân có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thiếu, sai lệch, không trùng khớp với thông tin hộ tịch. Những nội dung này đều được các báo cáo viên giải thích, hướng dẫn cụ thể.

Thông qua hội nghị tập huấn, cán bộ làm công tác chuyên môn được củng cố, nắm chắc các quy định tại Nghị định số 104 và Đề án 06 liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Từ đó bảo đảm tính chính xác, thống nhất trong thực hiện.

Tin, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/400866/bao-dam-su-thong-nhat-trong-thuc-hien-mot-so-quy-dinh-moi-lien-quan-linh-vuc-tu-phap.html