Bảo đảm thiết thực, nghiêm túc và hiện quả
Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Nghị quyết số 170/NQ-CP, ngày 31/12/2022 của Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND tỉnh đã khẩn trương ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND, ngày 13/1/2023 để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật được đánh giá là nghiêm túc, hiệu quả.
Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Nguyễn Huệ cho biết: Chỉ sau 5 ngày kể từ khi ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 18/1/2023, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến các văn bản của Trung ương và kế hoạch của tỉnh, phổ biến các nội dung cơ bản của dự thảo luật; đồng thời giao trách nhiệm thực hiện cho các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Sau hội nghị của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh đã nghiêm túc tổ chức tuyên truyền, phổ biến những nội dung của dự thảo luật bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, cùng với việc tổ chức lấy ý kiến cán bộ, công nhân viên đối với dự thảo luật, Sở TN-MT đã ban hành các văn bản đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Kế hoạch số 57/KH-UBND, ngày 13/1/2023 của UBND tỉnh. Đồng thời, ban hành quyết định thành lập Tổ tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại sở.
Bên cạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn, vận động các tầng lớp nhân dân tìm hiểu, tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo luật thông qua nhiều hình thức phù hợp đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị quan tâm triển khai. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đăng tải toàn văn trên trang thông tin điện tử của các đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã để tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp cận, nghiên cứu và đóng góp ý kiến.
Sau khi UBND tỉnh triển khai, các huyện, thành phố, thị xã đã kịp thời tổ chức quán triệt cho các xã, phường, thị trấn để tổ chức rộng rãi trong toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện góp ý với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Báo Quảng Bình, Đài PT-TH Quảng Bình đã tăng thời lượng và mở các chuyên trang, chuyên mục thông tin, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân để thực hiện góp ý với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời đăng tải kịp thời những đóng góp, đề xuất của nhân dân với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhờ vậy, đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia góp ý vào dự thảo luật.
Việc lấy ý kiến được tổ chức nghiêm túc, bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo; mở các chuyên mục trên trang thông tin điện tử của tỉnh, góp ý kiến thông qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh; trang thông tin điện tử của HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh và Sở TN-MT; tổ chức họp dân để lấy ý kiến, phát tài liệu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để người dân nghiên cứu góp ý... Quá trình triển khai bảo đảm dân chủ, công khai, tiết kiệm và có chất lượng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Trần Xuân Tình cho biết: Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn huyện được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng yêu cầu của Trung ương và của tỉnh, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Kết quả, toàn huyện đã tổ chức được 156 hội nghị và nhận được 5.600 ý kiến góp ý của cán bộ, nhân dân.
Ông Nguyễn Nam Long, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) tỉnh cho hay: Các cấp HND trong tỉnh đã chú trọng tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cũng như kế hoạch tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo luật của Mặt trận và của HND các cấp trong tỉnh. Trong đó, hội nghị do HND tỉnh tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo luật trong toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động đã nhận được 21 ý kiến góp ý cụ thể vào các điều luật.
Xuất phát từ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Nguyễn Đức Cường cho biết: Những vấn đề bất cập, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng đất thời gian qua đã được bổ sung, quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), như: Trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất (cưỡng chế đối với đất, tài sản trên đất thu hồi); quy định đối tượng thu hồi đất rõ hơn nhưng vẫn bảo đảm khuyến khích cơ chế tự thỏa thuận; đất sử dụng hỗn hợp; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất giao cho Tòa án nhân dân thực hiện; bỏ kế hoạch sử dụng đất đối với đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở...
"Cá nhân tôi đề nghị bảo vệ cho được nội dung dự thảo, đặc biệt là trong thu hồi đất, tránh bất cập, khó thực hiện như hiện nay, như bất cập trong việc tự thỏa thuận và Nhà nước bồi thường…Đồng thời, đề nghị luật hóa những vấn đề có thể đưa vào luật để thực hiện ngay, hạn chế việc việc giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ quy định, hướng dẫn thi hành", ông Cường chia sẻ.
Đến ngày 17/3/2023, cơ quan được giao tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân là Sở TN-MT đã tiếp nhận báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý đối với dự thảo luật của 62 cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều. Theo kết quả tổng hợp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc đã tổ chức được 2.744 hội nghị, hội thảo. Về bố cục của dự thảo luật và kỹ thuật soạn thảo, các ý kiến góp ý đều thống nhất như bản dự thảo. Về góp ý cụ thể vào các điều luật, thông qua các hội nghị, hội thảo và các kênh khác nhau, cơ quan hữu quan nhận được 17.285 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Trong đó, chương có ý kiến góp ý nhiều nhất là Chương XI (Tài chính về đất đai, giá đất) có 4.347 lượt ý kiến và chương có ý kiến góp ý ít nhất là Chương XIV (Thủ tục hành chính về đất đai) với 121 lượt ý kiến.
"Việc lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Quảng Bình đã được triển khai thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến theo Nghị quyết số 170/NQ-CP, ngày 31/12/2022 của Chính phủ. Đồng thời, bảo đảm dân chủ, công khai, khoa học, tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm", Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Huệ khẳng định.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 10 chính sách mới nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Đồng thời, tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.