Bảo đảm thống nhất trong quản lý nhà nước về phòng không nhân dân

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, sáng nay, 27.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Làm rõ mối quan hệ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong cấp giấy chứng nhận

Tổ chức hiệu quả lực lượng toàn dân nhằm bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình an của người dân, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội là nội dung đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với đất nước.

Vì vậy, các ĐBQH cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân để tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (Điều 28), ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) đề nghị làm rõ nội hàm của “kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ”; đồng thời, việc quy định “thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm” tại Điều 28 có thuộc nội hàm của “kinh doanh” không?

Bên cạnh đó, cần làm rõ mối quan hệ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc cấp giấy chứng nhận cho cơ sở thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để bảo đảm thống nhất trong quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, tránh chồng chéo giữa các bộ.

Cũng quan tâm đến nội dung này, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị bổ sung cụm từ “và Bộ Công an” vào sau cụm từ “theo quy định của Bộ Quốc phòng” tại khoản 4 Điều 28 dự thảo luật để tương thích với thẩm quyền của Bộ Công an được quy định tại khoản 3 Điều 28 này.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đó là, “tổ chức, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền và phải đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho các cơ quan thuộc quyền quản lý”.

Như vậy, theo quy định trên, Bộ Công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý. “Do đó, việc tổ chức, cá nhân khi thử nghiệm thực tế tính năng bay của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ phải tuân thủ các quy định của Bộ Công an là cần thiết và phù hợp”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nói.

Điều chỉnh quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng không nhân dân (Chương VII), dự thảo luật đã quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý nhà nước về phòng không nhân dân gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ được xác định cụ thể.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị, cần đánh giá rà soát để xác định trách nhiệm chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng không nhân dân như Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Đối với một số cơ quan có trách nhiệm chủ trì như chính quyền địa phương, MTTQ thì phải xác định nhiệm vụ cụ thể. Việc quy định theo hướng chung chung, liệt kê như dự thảo Luật là chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đã được pháp luật quy định.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị trong Chương VII cần nhắc tới quy định trách nhiệm của một số bộ có chức năng, nhiệm vụ đặc thù về phòng không nhân dân như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Đối với các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận thì chỉ nên quy định những nội dung đặc thù, gắn trực tiếp với phạm vi điều chỉnh của luật này.

“Còn các quy định có tính chất chung chung như tại khoản 1 Điều 47, khoản 1 Điều 48, khoản 1 Điều 49 là “trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về phòng không nhân dân” thì cần cân nhắc, vì những nội dung này sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công của các bộ và đã được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ, các nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của từng bộ”, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị.

Các đại biểu cũng chỉ rõ, dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở luật hóa quy định tại một số văn bản của Chính phủ, đặc biệt là Nghị định số 74/2015/NĐ-CP ngày 9.9.2015 của Chính phủ về phòng không nhân dân và Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28.3.2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung trong dự thảo luật hiện đang được điều chỉnh bởi các luật có liên quan, như Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng…

Do đó, các đại biểu đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm việc ban hành luật tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/bao-dam-thong-nhat-trong-quan-ly-nha-nuoc-ve-phong-khong-nhan-dan-i377085/