Bảo đảm tính bao quát với các hành vi bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình vẫn còn là vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật hiện hành, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định của Luật hiện hành, bảo đảm việc sửa đổi phải theo hướng tốt hơn cho đối tượng thụ hưởng chính sách, bảo đảm tính khả thi.

Khắc phục bất cập của Luật hiện hành

Tình trạng bạo lực gia đình là vấn đề phức tạp, nhất là các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ, trẻ em. Nêu thực tế này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ngay trong những năm đầu của nhiệm kỳ Khóa XV, thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước đối với những vấn đề được xã hội quan tâm, trong đó có công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, kịp thời thể chế hóa các quan điểm mới của Đảng ta đối với công tác xây dựng gia đình, nhất là các chủ trương trong Văn kiện Đại hội XIII.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Ảnh: Hồ Long

Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều nội dung của dự thảo Luật được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 15 năm qua; tập trung giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực thi Luật và trong tổ chức thực hiện. Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, phạm vi sửa đổi Luật lần này "rất đúng", tập trung chủ yếu vào ba nhóm chính sách. Đó là các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trong 3 nhóm chính sách nêu trên, nhóm chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình "chưa đủ rõ", Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn. Ngoài nguồn lực nhà nước, thì nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình là rất quan trọng. Mặc dù nội dung này có được đề cập tại quy định về trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một số quy định khác trong dự thảo Luật, nhưng quy định còn mang tính chất “khung”. Chỉ rõ điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, “làm đậm” cả ba nhóm chính sách, đặc biệt là nhóm chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia với Ban soạn thảo nghiên cứu, đề xuất những nội dung cần thiết liên quan đến khuyến khích xã hội hóa công tác này để có những quy định cụ thể hơn ngay trong dự thảo Luật.

Thực tiễn giám sát việc thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình của Ủy ban Xã hội thời gian qua cho thấy, nhiều bất cập, khó khăn là do quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, trong lần sửa đổi này, Ủy ban Xã hội đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về các giải pháp xã hội phù hợp để xử lý người có hành vi bạo lực gia đình; quy định về cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thi hành Luật.

Đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, hình thức phòng, chống bạo lực gia đình cao nhất là xử lý hành vi bạo lực gia đình. Vì vậy, cần bổ sung nội hàm phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật theo hướng bao gồm cả các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình và xử lý hành vi bạo lực gia đình.

Nhận diện các hành vi bạo lực gia đình mới phát sinh

Dự thảo Luật lần này sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi bạo lực gia đình để phù hợp hơn với thực tiễn (tại các điểm e, l, n, o, p, q khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật). Trong đó, bổ sung khá nhiều hành vi bạo lực mới như: bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc; ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp; phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó; trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ; phân biệt giới tính, định kiến giới và các đặc trưng cá nhân của thành viên gia đình liên quan đến giới...

Góp ý vào nội dung cụ thể này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định hết các đối tượng bị bạo lực gia đình. Chẳng hạn những người không có quan hệ gia đình, nhưng sống chung với nhau và xảy ra bạo lực thì có thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này không? Đó là trường hợp con nuôi, cha mẹ nuôi không còn quan hệ gia đình nữa; trường hợp cha mẹ từ con hoặc con cái từ cha mẹ; vợ chồng đã ly hôn… Từ thực tế mấy vụ việc xảy ra gần đây khiến dư luận vô cùng bức xúc, như mẹ ghẻ, bố dượng, người tình của bố hoặc mẹ bạo hành, đánh đập con cái của người kia đang có xu hướng diễn ra phổ biến, vấn đề đặt ra là cần nhận diện thế nào và có biện pháp xử lý thế nào để tập trung giải quyết tình trạng bạo lực gia đình xảy ra với những trường hợp này (?). Dẫn ra thực tế này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bảo đảm tính bao quát đối với các hành vi bạo lực gia đình.

Đây cũng là đề nghị của Thường trực Ủy ban Xã hội với cơ quan soạn thảo, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung các quy định để có thể nhận diện các hành vi bạo lực gia đình mới phát sinh, hành vi bạo lực gia đình đối với một số nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người khuyết tật. Đồng thời, bổ sung các quy định phù hợp với nhóm đối tượng này trong các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình cũng như các biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.

Như nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, về phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật cần bao quát được vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; khắc phục được những hạn chế, vướng mắc của các quy định pháp luật hiện hành. Cùng với đó, việc sửa đổi Luật lần này cần bảo đảm góp phần làm tốt hơn việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời bảo đảm tính khả thi của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-tinh-bao-quat-voi-cac-hanh-vi-bao-luc-gia-dinh-czirnuhkca-82269