Bảo đảm tính đặc thù, thủ tục thân thiện, nhân văn

Tán thành cao với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp mới đây, các đại biểu cho rằng, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, do đối tượng điều chỉnh là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phải là biện pháp xử lý hành chính, nên cần bảo đảm tính đặc thù, thủ tục thân thiện, nhân văn.

Mục đích là giáo dục, giúp đỡ, tạo sự phát triển lành mạnh

Theo chương trình, dự thảo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án Nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Phiên họp thứ Chín khai mạc sáng nay, 10.3.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Hoàng Ngọc

Cho ý kiến bước đầu về dự thảo Pháp lệnh tại Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Tư pháp mới đây, Ủy ban Tư pháp tán thành cao với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh và cho rằng, áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, do đối tượng điều chỉnh là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (người bị đề nghị) và việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phải là biện pháp xử lý hành chính, nên các đại biểu nhấn mạnh, cần bảo đảm tính đặc thù, thủ tục thân thiện, nhân văn, bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị.

Qua rà soát, ngay trong dự thảo Pháp lệnh đã có quy định và yêu cầu thủ tục thân thiện, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên nêu rõ, cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm thủ tục thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị tại quy định chung trong dự thảo Pháp lệnh. Đồng thời, rà soát để bổ sung một số quy định của thủ tục thân thiện vào các quy định có liên quan, như các phiên họp phải được tổ chức thân thiện, phòng họp thân thiện, an toàn, vị trí chỗ ngồi thân thiện, yêu cầu đối với việc hỏi người bị đề nghị, các yêu cầu hỗ trợ người bị đề nghị, tham vấn ý kiến chuyên gia…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, cần rà soát kỹ, bổ sung một khoản tại Điều 21, dự thảo Pháp lệnh với nội dung: “Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người bị đề nghị; người tiến hành phiên họp mặc trang phục hành chính của Tòa án Nhân dân, không mặc áo choàng; Thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp bảo đảm quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh này, phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn. Trong phiên họp, cha mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp có mặt để hỗ trợ người bị đề nghị. Việc hỏi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của người bị đề nghị. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc, chỉ đặt câu hỏi để làm rõ hành vi vi phạm”. Trên cơ sở đó, giao Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao quy định chi tiết để thi hành.

Kiểm sát việc tuân theo pháp luật

Khoản 1, Điều 4, dự thảo Pháp lệnh quy định “Viện Kiểm sát Nhân dân kiểm sát trình tự, thủ tục trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật”. Việc Tòa án Nhân dân xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có tác động đến quyền con người. Về bản chất, hoạt động của tòa án là hoạt động tư pháp. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì viện kiểm sát có chức năng, nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp. Khi kiểm sát hoạt động tư pháp đối với quá trình xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Viện Kiểm sát không chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật về trình tự, thủ tục mà còn kiểm sát cả việc chấp hành pháp luật của người tiến hành phiên họp và người tham gia phiên họp; thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu để bảo đảm việc giải quyết đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đúng quy định của pháp luật.

Nhấn mạnh điều này, các đại biểu cho rằng, dự thảo Pháp lệnh quy định Viện Kiểm sát Nhân dân kiểm sát trình tự, thủ tục trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là chưa đầy đủ, cần rà soát lại. Theo đó, cần cân nhắc quy định theo hướng: “Viện Kiểm sát Nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật”. Các đại biểu cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo - Tòa án Nhân dân Tối cao cần tiếp tục rà soát để chỉnh lý các nội dung tương ứng trong dự thảo Pháp lệnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát Nhân dân.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-tinh-dac-thu-thu-tuc-than-thien-nhan-van-qovxloqi6g-80588