Bảo đảm tính hướng thiện, nhân đạo trong Luật Hình sự
Mặc dù về bản chất, hình phạt trong một số trường hợp vẫn mang tính trừng trị (chung thân, tử hình) nhưng hiện nay, quan niệm về giáo dục, cải tạo người phạm tội vẫn là khuynh hướng chủ đạo của pháp luật hình sự các quốc gia nhằm đảm bảo những giá trị tốt nhất về quyền con người hiện nay.
Tính hướng thiện trong Luật Hình sự Việt Nam
Luật Hình sự (LHS) Việt Nam ra đời từ năm 1985, trải qua một số giai đoạn lịch sử lập pháp, các chế định trong LHS đã có nhiều thay đổi về cả nội dung và kĩ thuật lập pháp nhưng đều có điểm chung là luôn thể hiện sự nghiêm khắc đối với các hành vi gây thiệt hại cho xã hội cũng như chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, LHS được xem là một công cụ để quốc tế nhìn nhận và đánh giá Việt Nam như một quốc gia thành viên có trách nhiệm, thực hiện tốt các cam kết trong các điều ước quốc tế về quyền con người mà chúng ta đã kí kết và tham gia.
LHS hiện hành có nhiều quy định có tính hướng thiện người phạm tội, được thể hiện ở một số điểm sau đây:
Thứ nhất, thông qua mục đích và nguyên tắc xử lý của LHS. Mục đích của LHS là công cụ bảo vệ các quan hệ xã hội quan trọng nhất như an ninh quốc gia, độc lập, chủ quyền, quyền con người, quyền công dân,… (Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015) (BLHS), là các quyền cơ bản thiêng liêng nhất gắn với từng cá nhân con người như quyền sống, quyền tự do, quyền sở hữu, quyền bất khả xâm phạm về thân thể,… Bên cạnh đó là mục đích chính trong việc xử lý người phạm tội là giúp người phạm tội nhận thức được lỗi của mình, khắc phục hậu quả, giáo dục cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Các nguyên tắc của LHS được đưa ra để bảo đảm tính thống nhất, trong đó nguyên tắc nhân đạo là “kim chỉ nam” cho việc xây dựng các chế định của BLHS. Chẳng hạn Điều 3 BLHS phân định rõ đối tượng được hưởng chính sách khoan hồng nhằm làm giảm bớt tác hại của tội phạm cũng là cơ sở để Nhà nước áp dụng mức hình phạt giảm nhẹ trong quá trình điều tra, xét xử. Ngoài ra, người dưới 18 tuổi phạm tội cũng được quy định một chương riêng trong BLHS và những đối tượng yếu thế như người trên 75 tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai cũng được quan tâm đặc biệt theo hướng xử lý của nguyên tắc nhân đạo như không áp dụng hình phạt tử hình…
Thứ hai, thông qua mục đích của áp dụng hình phạt và hệ thống hình phạt. Theo Điều 27 BLHS quy định: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”. Như vậy căn cứ vào đây có thể thấy mục đích không chỉ là sự nghiêm khắc của Nhà nước mà quan trọng khi áp dụng các hình phạt này bảo đảm tính nhân văn đối với từng cá nhân người phạm tội, phân hóa trách nhiệm hình sự trên cơ sở lỗi, mức độ hành vi, nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự,…
Về hệ thống hình phạt, BLHS hiện hành bao gồm 8 hình phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình) và 7 hình phạt bổ sung (đối với hình phạt tiền và trục xuất sẽ không áp dụng nếu là hình phạt chính). Riêng hình phạt tử hình và tù chung thân được coi là hình phạt có tính chất tước đi quyền sống và tự do suốt đời người phạm tội. Theo quy định của BLHS thì chỉ còn 18 tội danh áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình (so với BLHS năm 1999 là 22 tội danh). Sự thay đổi này thể hiện sự nỗ lực rất lớn trong chính sách pháp luật hình sự nước ta theo xu hướng nhân đạo, bảo đảm tính mạng, quyền sống của con người. Và cũng phải nhận thức rằng hình phạt tử hình không trái với nguyên tắc nhân đạo vì tính nhân đạo của pháp luật được hiểu là sự dung hòa giữa lợi ích của xã hội và của người phạm tội. Việc đề cao lợi ích của người phạm tội mà quên đi lợi ích của toàn xã hội không thể xem là thỏa mãn nguyên tắc nhân đạo pháp luật. Do đó, hình phạt tử hình đã thể hiện tính nhân đạo một cách tương đối thông qua khía cạnh xã hội là loại bỏ mối đe dọa nguy hiểm cho xã hội, răn đe và giáo dục người khác không phạm tội hay từ bỏ ý định phạm tội, hướng thiện công dân sống và làm việc theo chuẩn mực của pháp luật, đạo đức.
Thứ ba, thông qua các quy định cụ thể. Tính hướng thiện người phạm tội của pháp luật hình sự được thể hiện trong một số các tội phạm cụ thể để việc áp dụng một cách triệt để và tránh tùy tiện khi áp dụng pháp luật. Chẳng hạn Điều 110 BLHS hiện hành Tội gián điệp, khoản 4 của điều này quy định như sau: “Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.” Trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi này không phải là họ đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội bởi vì hành vi nhận làm gián điệp đã hoàn thành về mặt thực tế và coi hành vi này là tội phạm hoàn thành theo quy định của pháp luật, đủ cơ sở pháp lý để truy tố. Tuy nhiên, chính sách nhân đạo được thể hiện ở chỗ Nhà nước cho phép người nhận làm gián điệp không tiếp tục thực hiện tội phạm, từ bỏ ý định phạm tội và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan chức năng sẽ được miễn trách nhiệm hình sự. Điều này vừa phù hợp với nguyên tắc nhân đạo và thực tế của loại tội phạm này và cơ sở miễn trách nhiệm hình sự giúp người phạm tội “quay đầu”, không gây thiệt hại đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Tương tự, trong trường hợp khoản 6 Điều 364 BLHS hiện hành về Tội đưa hối lộ quy định: “Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”. Ngoài ra, trong BLHS cũng quy định các chế định khác về cả phần chung và từng tội phạm cụ thể theo tính hướng thiện đối với hành vi phạm tội từ ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định cụ thể
Bộ LHS Việt Nam qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc hướng thiện người phạm tội. Điều đó cũng chính là chính sách hình sự xuyên suốt trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta để bảo vệ những lợi ích tốt nhất cho xã hội và nâng cao hơn nữa quyền con người, đặc biệt khi họ trở thành chủ thể của tội phạm. Do đó, việc hoàn thiện những quy định cụ thể trong pháp LHS cũng chính là cơ sở hiện thực hóa các quyền này đi vào thực tế. Tiếp tục phát huy những giá trị đạt được và bảo đảm tốt hơn nữa tính hướng thiện người phạm tội thì LHS cũng cần xem xét ở một số góc độ sau:
Thứ nhất, về áp dụng hệ thống hình phạt. Các hình phạt được quy định trong BLHS Việt Nam đã được nhiều lần sửa đổi, bổ sung và ngày càng hoàn thiện. Trong đó, hình phạt tử hình là vấn đề gây tranh cãi và cần tiếp tục nghiên cứu kĩ để có thể bỏ hình phạt tử hình đối với một số loại tội phạm nhất định để phù hợp với xu hướng của thế giới. Không ai bị, có thể bị tước đi mạng sống một cách tùy tiện; nếu như làm oan, sai, xử lý không đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội thì hậu quả không thể khắc phục được. Bên cạnh đó, các hình phạt khác cũng cần được xem xét và ưu tiên nhiều hơn. Đặc biệt là với tội phạm nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, việc hướng thiện là ưu tiên hàng đầu. Ở Trung Quốc, hình phạt lao động công ích được áp dụng triệt để trong 40 năm qua và mang lại hiệu quả cao, tỉ lệ tái phạm vào khoảng 4% - 6%.
Thứ hai, về việc mở rộng nguồn LHS và giải thích luật. Để có thể xử lý đúng người, đúng tội và cá thể hóa hình phạt một cách triệt để thì việc quy định hành vi phạm tội một cách rõ ràng, cụ thể là một trong những nhân tố quan trọng. Trên thực tế, mỗi tội phạm đều có những đặc điểm về hành vi và được thực hiện trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, thậm chí cùng là một loại tội phạm nhưng cũng khác nhau trong từng vụ án cụ thể, tuy nhiên, lại chỉ được khái quát những điểm đặc trưng, điển hình trong BLHS nên việc cụ thể hóa theo từng mảng khác nhau rất cần được quan tâm và xem xét để tránh việc áp dụng tùy tiện. Do đó, việc mở rộng nguồn LHS là một cách thức quan trọng giải quyết vấn đề này; để tinh thần hướng thiện người phạm tội được cụ thể hóa trong thực tiễn, áp dụng hình phạt phù hợp và giáo dục, cải tạo đúng với các loại tội phạm khác nhau, với các khía cạnh khác nhau (dẫn chiếu hành vi, loại chủ thể, mức độ, hậu quả, phương thức, thủ đoạn,…). Đi kèm với đó là việc giải thích luật cũng cần phải rõ ràng hơn với các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, bổ sung các điều luật cụ thể. Ví dụ, các quyền mà người phạm tội bị tước bỏ như theo quy định của LHS Trung Quốc, giới hạn hành vi phạm tội người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ áp dụng với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng với lỗi cố ý,…; từ đó, người phạm tội mới hiểu rõ các quyền của mình, hậu quả pháp lý mà họ phải chịu cũng như nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Có nhận thức đúng sai lầm của bản thân đầy đủ thì mới có thể đạt được mục đích của hình phạt.
Thứ ba, về các quy định cụ thể có liên quan. Hiện nay theo quy định của BLHS hiện hành, còn nhiều tội phạm chưa được quy định hoặc cụ thể hóa các cấu thành giảm nhẹ nhiều như Khoản 4 Điều 110 và Khoản 6 Điều 364 nên khi người phạm tội thực hiện tội phạm thiếu sự lựa chọn cụ thể, trong khi đó, quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự như tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết,… vẫn còn khá chung chung và khó áp dụng. Vì vậy, việc bổ sung các điều khoản khi nghiên cứu các tội phạm cụ thể là cấu thành tội phạm giảm nhẹ sẽ giúp cho các đối tượng khi thực hiện hành vi có cơ hội “quay đầu”, đây cũng chính là cơ sở để pháp luật hướng thiện người phạm tội cụ thể hơn trên thực tiễn. Bên cạnh đó, khi quyết định hình phạt Tòa án cũng có thể dựa vào các cơ sở khác (Điều 50 BLHS) và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 51 BLHS), nhưng hiện nay chưa có văn bản giải thích rõ các trường hợp này. Do vậy, để bảo đảm cho người phạm tội có thể hiểu rõ các lợi ích mà mình được hưởng cũng như xét xử công tâm thì quy định cụ thể có liên quan là các chế định cần phải làm rõ như một số quốc gia cũng quy định.
Xu hướng nhân đạo, hướng thiện là một trong những tư tưởng xuyên suốt trong quá trình cải cách tư pháp ở nước ta cũng như trong LHS. Để có thể phát huy được tính hướng thiện của pháp luật hình sự đòi hỏi cần có sự nỗ lực tổng thể cũng như chuyên môn, đạo đức và thực thi công bằng từ các cơ quan hành pháp như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án. Hoàn thiện các chế định trong LHS chính là cơ sở pháp lý để có thể hiện thực hóa việc hướng thiện người phạm tội ngày càng hiệu quả hơn.