Bảo đảm tính minh bạch trong công tác quy hoạch
Chiều 30.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Ảnh: Quang Khánh
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Báo cáo thẩm tra đã chỉ rõ, việc thực hiện chỉ tiêu đất bãi thải, xử lý chất thải giai đoạn 2010 - 2020 đạt rất thấp (chỉ 37,29%). Qua theo dõi, giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất để làm khu xử lý chất thải rắn rất khó khăn, đặc biệt là tại các tỉnh có diện tích nhỏ; trong khi thực tiễn, một số khu vực diện tích đất bãi thải lớn đã gây nhiều hệ lụy cho môi trường.
Bên cạnh đó, việc tăng chỉ tiêu này hiện không rõ là do tăng diện tích đất cho bãi thải hay diện tích đất cho xử lý chất thải. Trong khi đó, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải. Do vậy, các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến môi trường cần phải bám sát định hướng này.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị, Chính phủ cần rà soát chỉ tiêu này theo hướng giảm diện tích đất bãi thải, bố trí quy hoạch đất cho xử lý chất thải (chất thải rắn, nước thải), quy hoạch các điểm trung chuyển rác thải tại các đô thị, khu vực nông thôn một cách hợp lý. Ngoài ra, Quốc hội cần tăng cường giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải để làm rõ hơn nội dung này.