Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong Luật Thanh niên (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, sáng 10-9, tại nhà Quốc hội (QH) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, sáng 10-9, tại nhà Quốc hội (QH) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
UBTVQH nghe Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Tại phiên họp, nhiều ý kiến khẳng định việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới.
Theo Tờ trình của Chính phủ, một trong những điểm mới của dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) là tách quyền với nghĩa vụ của thanh niên thành hai điều khác nhau, đồng thời quy định chính sách của Nhà nước gắn liền với quyền, nghĩa vụ trong từng lĩnh vực. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho biết, việc dự thảo Luật liệt kê quyền, nghĩa vụ và các chính sách theo từng lĩnh vực sẽ dễ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp. Vì vậy, trong quá trình thiết kế các quy định, Ban soạn thảo cần tính đến mối quan hệ giữa Luật Thanh niên và các luật ở từng lĩnh vực để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao tính khả thi của Luật trong đời sống.
Có ý kiến cho rằng, cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên còn chưa rõ ràng. Đồng thời đề nghị, cần có những quy định liên quan việc bồi dưỡng đạo đức lối sống, lý tưởng, ý thức, trách nhiệm của thanh niên trong điều kiện hiện nay.
Về chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, các ý kiến cho rằng, đây là chính sách mới, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho nên việc quy định trong dự thảo là cần thiết. Do đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan khởi nghiệp, sáng tạo để khuyến khích, thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp; tạo cơ hội cho thanh niên, có kiến thức làm việc tại các lĩnh vực khoa học - công nghệ, khu công nghiệp, các cơ sở công nghệ cao.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, về cơ bản các chính sách trong luật sửa đổi lần này đã được kế thừa Luật Thanh niên năm 2005. Tuy nhiên, dự thảo Luật còn chung chung, chồng lấn với nhiều chính sách khác mà đã được thể hiện ở các luật chuyên ngành. Để cụ thể hóa các chính sách trong dự thảo Luật, đối với quyền và nghĩa vụ của thanh niên, Ban soạn thảo cần có cách tiếp cận mới hơn, tránh trùng lặp, không quy định lại những vấn đề luật chuyên ngành đã nêu; không chỉ đề cập đến việc thanh niên có quyền gì, trách nhiệm gì mà cơ bản là thanh niên cần những điều kiện bảo đảm nào để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình. Về quy định mới trong đối thoại thanh niên là cần thiết, tuy nhiên cần cân nhắc tính thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, sự trùng lặp nhiều cuộc đối thoại.
Phát biểu ý kiến kết luận nội dung thảo luận, đồng chí Tòng Thị Phóng đề nghị, Chính phủ có trách nhiệm tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật; tập trung một số vấn đề bảo đảm tính thống nhất, như: xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, vai trò sứ mệnh lịch sử của thanh niên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có cơ chế phối hợp thực hiện chính sách và thống nhất trong việc thực hiện các luật có liên quan; nâng cao chất lượng và trách nhiệm quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn của Nhà nước đối với công tác thanh niên.
Buổi chiều, UBTVQH giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi giai đoạn 2012-2018”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH Hà Ngọc Chiến trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát. Tham gia thảo luận, các ý kiến đánh giá cao báo cáo kết quả, hoạt động của đoàn giám sát trong thời gian qua. Về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết, hệ thống pháp luật đã được xây dựng đầy đủ từ thông tư nghị định của chính phủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều chính sách còn chậm so với yêu cầu cuộc sống, có sự chồng chéo, chưa tập trung. Đồng chí đề nghị, cần tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng DTTS, miền núi, tập trung quan tâm phát triển vào các lĩnh vực, như: hạ tầng, giao thông, thủy điện, giáo dục; cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, công tác bảo vệ rừng…
Một số ý kiến nhận định, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường có mục tiêu lớn, nhưng thời gian thực hiện ngắn, định mức hỗ trợ thấp; vốn cấp không đủ, chậm và không đồng bộ, cho nên việc triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả cao. Các chương trình, dự án giảm nghèo do nhiều bộ, ngành phụ trách, có cơ chế quản lý, vận hành khác nhau, làm hạn chế việc lồng ghép chính sách và cân đối nguồn lực chung. Vì vậy, cần rà soát, tính toán, cân đối, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với vùng DTTS, miền núi. Nhiều ý kiến đề nghị, cần xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi; quan tâm đến giải pháp thu hút nguồn lực từ việc xã hội hóa cho khu vực miền núi, vùng DTTS trong lĩnh vực giáo dục, y tế nhằm cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, cần quan tâm, giữ gìn bản sắc, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc, không để đồng bào DTTS bị bỏ lại phía sau. Đối với vùng đồng bào DTTS có tỷ lệ nghèo cao thì cần tập trung chính sách để quan tâm, hỗ trợ đời sống của bà con.
Qua thảo luận, xem xét, UBTVQH đã thống nhất ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2012-2018”.