Bảo đảm tôn chỉ, bản chất, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã
Thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại phiên họp toàn thể chiều 25.5, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định chuyển nhượng vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm hạn chế tình trạng chi phối, thâu tóm của một số cá nhân, tổ chức. Một số ý kiến cho rằng, chuyển nhượng vốn góp sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc mở rộng quy mô hoạt động của hợp tác xã, nhưng hai bên bán và mua khi đồng ý chuyển nhượng phải bảo đảm tôn chỉ, nguyên tắc, bản chất hoạt động của hợp tác xã.
“Đối nhân không phải đối vốn”
Chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là quy định còn có ý kiến khác nhau. Tại Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: là ý kiến của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 183/BC-CP ngày 4.5.2023 về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), theo đó đề nghị quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên.
Phương án 2 là ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó đề nghị không quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà chỉ quy định về trả lại phần vốn góp khi chấm dứt tư cách thành viên, ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã và Điều lệ, tương tự như quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012.
Nhất trí với phương án 2, các ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc), Hà Hồng Hạnh (Khánh Hòa), Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn), Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) nhấn mạnh, không nên quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, “doanh nghiệp hóa hợp tác xã” nhằm hạn chế tình trạng thâu tóm, chi phối của một số cá nhân, tổ chức. Khi thành viên không còn nhu cầu là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì có thể xin ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chấm dứt tư cách thành viên theo quy định của Luật; trong khi đó cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện thì trở thành thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung nêu rõ, “quy định theo phương án 2 cũng phản ánh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là đối nhân không phải đối vốn, tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Sẽ có điều, khoản "khóa" để tránh thâu tóm, chi phối hợp tác xã
Đề xuất lựa chọn phương án 1, ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho rằng, phương án 1 sẽ tạo sự ổn định cho hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi có thành viên muốn rút một phần hoặc toàn bộ vốn, nhất là với vốn góp bằng đất đai, tài sản lớn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc mở rộng quy mô hoạt động của hợp tác xã. Đồng thời vẫn kiểm soát, tránh được nguy cơ doanh nghiệp hóa hợp tác xã, bởi đã có quy định về tỷ lệ góp vốn tối đa được quy định tại Khoản 1, 2,3, Điều 74 trong dự thảo Luật; quy định về kiểm soát tư cách thành viên của người được chuyển nhượng vốn và người nhận chuyển nhượng vốn trong hợp tác xã quy định tại Khoản 6, Điều 79, dự thảo luật.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết thêm, theo phương án 1, phần vốn góp mà thành viên, tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng sở hữu sau khi hoàn thành giao dịch chuyển nhượng không thấp hơn vốn góp tối thiểu và không vượt quá vốn góp tối đa cũng phù hợp với điều kiện ngày càng phát triển của nền kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng, quyền tự do của các thành viên hợp tác xã khi tham gia hợp tác xã, với ý nghĩa là một tổ chức kinh tế như các tổ chức kinh tế khác.
Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, cả hai bên bán và mua khi đồng ý chuyển nhượng phải bảo đảm tôn chỉ, nguyên tắc, bản chất hoạt động của hợp tác xã. Từng hợp tác xã nghiên cứu để quy định cụ thể hơn trong Điều lệ. Theo đó, cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên. Bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp cũng như tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành thành viên chính thức. Thành viên liên kết góp vốn với mức góp vốn tối đa của mỗi thành viên chính thức không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Chính phủ vẫn xin trình Quốc hội phương án 1, cho phép quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên nhằm bảo đảm nguyên tắc mở về thành viên tham gia và rút khỏi hợp tác xã như kinh nghiệm của quốc tế. Phương án này cũng giúp thu hút các thành viên có đủ năng lực để tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tránh tình trạng, một thành viên đóng góp bằng đất đai, nhà xưởng hay tài sản lớn khi chấm dứt tư cách thành viên, rút hết các tài sản này ra, không cho chuyển nhượng thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của hợp tác xã, đến sự tồn tại của hợp tác xã.
Chia sẻ lo ngại của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, để tránh làm sai lệch bản chất của hợp tác xã, dự thảo Luật đã quy định vốn góp tối đa của mỗi thành viên. Các cá nhân, tổ chức khi nhận chuyển nhượng vốn góp phải tuân thủ tôn chỉ của hợp tác xã, Điều lệ của hợp tác xã; ưu tiên chuyển nhượng cho các thành viên trong hợp tác xã trước, sau 60 ngày nếu không ai mua, nhận chuyển nhượng thì được quyền bán ra ngoài, khi bán ra ngoài phải được Đại hội thành viên hợp tác xã thông qua.
Với lo ngại của các đại biểu như trong trường hợp có 5 thành viên mà 3 thành viên của hợp tác xã đã chuyển nhượng vốn góp thì rõ ràng hợp tác xã đã bị chi phối, thâu tóm, Bộ trưởng xin phép Quốc hội sẽ nghiên cứu và quy định thêm điều, khoản khóa, khống chế chi phối, thâu tóm hợp tác xã.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua.