Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Sau 5 năm thực hiện Nghị định (NĐ) số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và NĐ số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các NĐ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng đạt nhiều kết quả. Qua đó, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh Long An.

Lực lượng công an tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông

Lực lượng công an tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông

Thường xuyên chỉ đạo

Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành NĐ số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (viết tắt là NĐ số 100). Đây là NĐ rất quan trọng, mang tính cấp thiết, song song với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020. Ngày 28/12/2021, Chính phủ ban hành NĐ số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các NĐ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng (viết tắt là NĐ số 123), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

Để triển khai, thực hiện NĐ số 100 và NĐ số 123, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo trong công tác bảo đảm TTATGT, với mục tiêu kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông và góp phần xây dựng, hình thành văn hóa giao thông.

UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản và thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tăng cường quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động nắm rõ, tự giác, gương mẫu đi đầu trong chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT. Qua đó, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông và là “một tuyên truyền viên” trong tuyên truyền, vận động chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT.

Các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức triển khai, quán triệt nội dung NĐ số 100 đến cán bộ, hội viên và nhân dân. Qua đó, kêu gọi chung tay thực hiện văn hóa giao thông, làm cho phong trào Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT trở thành phong trào rộng khắp. Gần đây, tỉnh xây dựng, triển khai mô hình Địa phương ATGT tại TP.Tân An, huyện Đức Hòa và Bến Lức.

Theo Đại tá Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Công an tỉnh, thời gian qua, Công an tỉnh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT. Ngoài ra, Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương xây dựng, triển khai nhiều mô hình bảo đảm TTATGT mang lại hiệu quả.

Xử phạt hơn 153.400 trường hợp vi phạm

Hiện trên địa bàn tỉnh có các mô hình hiệu quả như Tuyến phố văn minh đô thị; Toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT; Phụ nữ tham gia bảo đảm TTATGT vì hạnh phúc của mỗi gia đình; Hội Cựu chiến binh tham gia giữ gìn TTATGT; Tiếng loa lưu động an ninh, trật tự; Honda khách phòng, chống tội phạm; Taxi phòng, chống tội phạm; Câu lạc bộ lái xe an toàn và phòng, chống tội phạm; Ánh sáng an toàn về an ninh, trật tự; Nhà hàng, quán ăn tham gia bảo đảm TTATGT; Camera giám sát an ninh, trật tự; Cổng trường ATGT;...

“Nhìn chung, công tác lãnh, chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện các NĐ của Chính phủ đã được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện hiệu quả, góp phần bảo đảm TTATGT tại địa bàn. Qua 5 năm thực hiện NĐ số 100 đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong chấp hành pháp luật về TTATGT” - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh - Nguyễn Văn Út nhấn mạnh.

Cùng với công tác chỉ đạo, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT được duy trì, tăng cường thực hiện. Từ năm 2020 đến hết tháng 7/2024, lực lượng cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 153.400 trường hợp với hơn 240.100 lỗi vi phạm TTATGT đường bộ; xử phạt hơn 293,6 tỉ đồng; tạm giữ 1.900 ôtô, hơn 49.200 xe môtô, gắn máy và 644 phương tiện khác. Ngoài ra, áp dụng các biện pháp khác như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn gần 25.000 trường hợp.

Trong đó, lực lượng chức năng mở nhiều đợt cao điểm, chuyên đề trọng tâm trong công tác xử lý vi phạm TTATGT. Cụ thể, đã xử lý hơn 27.700 trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, 25 trường hợp dương tính với ma túy khi lái xe; quá tải trọng hơn 1.600 trường hợp; quá khổ 259 trường hợp; quá tốc độ hơn 20.800 trường hợp. Ngoài ra, các vi phạm phần đường, làn đường gần 4.000 trường hợp; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông hơn 6.200 trường hợp; kiểm tra, nhắc nhở hơn 3.200 trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường;...

Theo Chánh Thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải) - Lê Văn Viên, đơn vị thường xuyên phối hợp công an và địa phương kiểm tra lập lại trật tự đô thị, TTATGT trên địa bàn. Cùng với việc kiểm tra, xử lý, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành, không tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ./.

Từ năm 2020 đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh xảy ra 1.273 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 873 người, bị thương 611 người, hư hỏng 672 xe ôtô, 1.444 xe môtô gắn máy, thiệt hại tài sản hơn 10,7 tỉ đồng.

Vũ Quang

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-a185542.html