Bảo đảm vai trò hướng dẫn, hỗ trợ của Tòa án trong tiếp cận, thu thập chứng cứ

Thảo luận về dự thảo Luật Tòa án Nhân dân (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, quy định tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ trong các trường hợp cụ thể là cần thiết. Quy định này tăng cường trách nhiệm của các bên đương sự trong việc thu thập chứng cứ, bảo đảm được vai trò, sự hỗ trợ của Tòa án Nhân dân trong bối cảnh người dân còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận, thu thập chứng cứ.

Bổ sung chế tài với trường hợp chây ì, không cung cấp chứng cứ, tài liệu

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tòa án Nhân dân (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến không tán thành với dự thảo Luật và đề nghị quy định trong một số trường hợp cần thiết, Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Nghị quyết số 27 - NQ/TW ngày 9.11.2022 về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta yêu cầu: “Nghiên cứu, làm rõ... những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”. Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014 không quy định cụ thể về phạm vi thu thập chứng cứ của Tòa án. Các luật tố tụng quy định các hoạt động/biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ, trong đó Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính quy định: nếu đương sự không thu thập được thì có quyền yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ. Từ đó, nhiều đương sự không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, ỷ lại cho Tòa án thu thập, dẫn tới nhiều tòa án bị quá tải công việc. Do đó, cần rà soát để quy định lại cho chặt chẽ. Thực tiễn cho thấy, nếu tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp thì có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết vụ án.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và một số cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 15, dự thảo Luật theo hướng: quy định tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 - NQ/TW và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, đồng thời rà soát, bố cục lại các khoản trong điều luật cho phù hợp hơn.

ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Nhất trí với phương án chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) cho rằng, quy định này bảo đảm cho tòa án thực hiện đúng nguyên tắc xét xử độc lập, vô tư, khách quan trong hoạt động tố tụng, nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc quyết định và tự định đoạt của đương sự. Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, trưng cầu giám định, giám định lại, định giá tài sản, ủy thác, thu thập tài liệu, chứng cứ là các biện pháp để Tòa án kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, làm cơ sở để đưa ra phán quyết đúng đắn.

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Nhấn mạnh, việc tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ trong các trường hợp cụ thể là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu rõ, quy định này giảm tải trách nhiệm của tòa án, tăng cường trách nhiệm của các bên đương sự trong thu thập chứng cứ, bảo đảm vai trò, sự hỗ trợ của Tòa án Nhân dân trong bối cảnh người dân còn nhiều khó khăn, hạn chế trong tiếp cận, thu thập chứng cứ.

Tuy nhiên, đại biểu Dương Văn Phước cũng đề nghị, cần quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của tòa án và bổ sung chế tài đối với trường hợp không cung cấp, chây ì cũng như đối với việc lợi dụng quyền cung cấp tài liệu của tòa án gây khó khăn, áp lực cho tổ chức, cá nhân.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Rà soát lại 7 khoản tại Điều 15 của dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) lưu ý, dự thảo Luật chủ yếu quy định trách nhiệm của các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án hoặc trách nhiệm của tòa án trong việc hướng dẫn, yêu cầu, hỗ trợ, tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ, chưa có nội dung quy định trách nhiệm của “Tòa án trực tiếp thu thập chứng cứ, tài liệu” như ý kiến tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung nội dung liên quan đến trách nhiệm của tòa án trực tiếp thu thập chứng cứ, tài liệu.

Tòa án có trách nhiệm thu thập chứng cứ với người yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo

Theo dự thảo Luật, trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác, các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án theo quy định của pháp luật. ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho rằng, những người yếu thế trong xã hội và những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí, việc tiếp cận pháp luật còn rất hạn chế, vì vậy, cần giữ quy định tòa án có trách nhiệm thu thập chứng cứ với những trường hợp này.

“Tại Nghị quyết 27 - NQ/TW quy định xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng. Nghị quyết cũng quy định phải làm rõ các trường hợp Tòa án Nhân dân thu thập chứng cứ, hỗ trợ thu thập chứng cứ trong xét xử. Vậy việc Tòa án sẽ thu thập chứng cứ cho các trường hợp nêu trên chính là một phần góp cho việc thực hiện công bằng trong tiếp cận pháp luật. Vì những người yếu thế, người nghèo điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu cả về vật chất, tinh thần và hạn chế trong giao tiếp xã hội, đi lại còn gặp nhiều khó khăn”, đại biểu Hoàng Quốc Khánh nêu vấn đề.

ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Mặt khác, theo số liệu báo cáo cho thấy, tỷ lệ các vụ án, vụ việc có luật sư tham gia rất ít, chỉ hơn 8%; cơ chế hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý và việc tiếp cận để lấy hồ sơ từ các cơ quan hành chính không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chỉ ra thực tế này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cũng cho biết, nhiều ý kiến ở cơ sở mong muốn có sự hỗ trợ đối với trường hợp người yếu thế, người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo trong vấn đề này. Vì vậy, đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nghiên cứu và có quy định hướng dẫn đối với trường hợp này.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đã tiếp thu, làm rõ việc Tòa án hướng dẫn, hỗ trợ các bên thu thập tài liệu, chứng cứ, còn đối tượng hỗ trợ cụ thể như thế nào thì sau này sẽ có hướng dẫn, nhất là với người yếu thế.

Trong phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Thường trực Ủy ban Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tòa án Nhân dân Tối cao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung qua thảo luận còn có ý kiến khác nhau. Trên cơ sở đó, sẽ xem xét hoàn chỉnh dự thảo Luật với chất lượng cao nhất, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua vào cuối Kỳ họp thứ Bảy này.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bao-dam-vai-tro-huong-dan-ho-tro-cua-toa-an-trong-tiep-can-thu-thap-chung-cu-i373161/