Bảo đảm vệ sinh môi trường tại các chợ truyền thống

Là không gian sinh hoạt cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động giao lưu buôn bán của đông đảo người dân, các chợ truyền thống làm phát sinh lượng rác thải không hề nhỏ, nhất là các ngày họp chợ. Tuy vậy, cùng với sự quan tâm đầu tư tỉnh cũng như sự chỉ đạo sát sao chính quyền địa phương, vấn đề vệ sinh môi trường tại các chợ truyền thống trong những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực.

Chợ Lác, xã Tề Lỗ (Yên Lạc) thường xuyên được phun thuốc khử trùng nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Trà Hương

Chợ Lác, xã Tề Lỗ (Yên Lạc) thường xuyên được phun thuốc khử trùng nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Trà Hương

Nằm ngay trên trục Quốc lộ 2, chợ Kiệu, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường thu hút rất đông người dân trong và ngoài xã đến mua sắm. Bày bán đủ các mặt hàng từ đồ khô, đồ gia dụng tới mặt hàng tươi sống n rau củ quả, gà, vịt, tôm cá với lượng rác thải phát sinh không hề nhỏ… Song, qua quan sát, các khu vực trong chợ đều khá sạch sẽ. Không có tình trạng rác thải ùn ứ, hay nước mưa, nước thải ứ đọng trên nền chợ.

Ít ai nghĩ được rằng, chỉ vài ba năm về trước, nơi đây vẫn còn là một khu chợ khá nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường. Được biết, nền chợ Kiệu trước đây là nền đất, ngày nắng thì bụi bặm, ngày mưa thì lầy lội.

Chị Nghiêm Thị Tâm, một người dân trong xã Chấn Hưng nhớ lại: “Nhiều khi đi chợ mà bùn đất bắn lên khắp người không khác gì đi làm ruộng. Đặc biệt, khu bán thực phẩm tươi sống thường bốc mùi hôi rất khó chịu do chất thải, nước thải từ gà vịt, mổ cá đọng lại”.

Cùng với chương trình xây dựng NTM, trên nền chợ cũ, Chợ Kiệu được đầu tư xây dựng lại, đến năm 2020, chợ đã hoàn thành xong giai đoạn 1. Hiện chợ có 40 ki - ốt và hơn 90 chỗ ngồi cố định có mái che.

Khu vực bán thực phẩm tươi sống được bố trí riêng thuận tiện cho công tác vệ sinh, cũng như để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Nhờ đó, mà diện mạo chợ cũng ngày càng đổi khác, khang trang, sạch đẹp.

Không chỉ riêng chợ Kiệu, thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong những năm qua, hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư với hơn 60 chợ đã được xây dựng và đưa vào sử dụng.

Bên cạnh kết cấu nhà chợ chính và các ki- ốt bán hàng, các chợ nông thôn mới (NTM) đều được bố trí khu nhà vệ sinh; có hệ thống cấp nước phục vụ cho các hoạt động của chợ; hệ thống rãnh thoát nước đảm bảo thông thoáng, dễ dàng thông tắc.

Trên cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, các địa phương đã chủ động bố trí nguồn lực, nhân công tổ chức thu gom, xử lý rác thải, đảm bảo VSMT tại các chợ truyền thống.

Đơn cử tại xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, khác với hình ảnh túi nilon, rác thải phát sinh trong quá trình buôn bán, hoạt động giết mổ bị bỏ lại một cách ngổn ngang sau khi tan họp như nhiều người vẫn nghĩ, không gian trong chợ Lác mỗi buổi chiều đều khá sạch sẽ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Hơn, Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ cho biết: “Chợ chủ yếu bán rau củ quả, thực phẩm tươi sống, do đó mà lượng rác thải phát sinh hàng ngày rất lớn.

Để tránh tình trạng rác thải ùn ứ, gây mất vệ sinh, xã đã giao Ban quản lý chợ đứng ra thu gom, quét dọn. Toàn bộ rác thải đều được thu gom ngay trong ngày và chuyển ra bãi rác thải tập trung của thôn Giã Bàng”.

Được biết, mặc dù chợ chỉ họp 12 phiên chính trong tháng, những ngày còn lại chỉ có số ít tiểu thương đến họp. Tuy nhiên, công tác thu gom vẫn được thực hiện đều đặn hàng ngày, không kể phiên chính. Mặt khác, Ban quản lý chợ Lác cũng thường xuyên phun khử trùng trong và xung quanh chợ với tuần suất 2 lần/tuần, để đảm bảo VSMT.

Bên cạnh việc hoạt động thu gom, xử lý rác thải thường xuyên, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các hộ kinh doanh và người dân tại chợ cũng được chú trọng. Nhiều địa phương tổ chức cho các hộ kinh doanh tại chợ ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Ban quản lý chợ cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh thu dọn rác thải phát sinh trong quá trình bán hàng, nhất là đối với các hộ kinh doanh hàng tươi sống.

Thời gian vừa qua, Sở TN&MT đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các cấp tăng cường tuyên truyền về BVMT bằng cách thay đổi thói quen, không sử dụng nilon.

Sự ra đời của các mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” của Huyện Đoàn Vĩnh Tường, Yên Lạc, Thành Đoàn Vĩnh Yên, hay mô hình “Làn xanh đi chợ” của Hội LHPN tỉnh đã và đang góp phần tích cực vào nâng cao nhận thức của người dân cũng như các hộ kinh doanh tại chợ thực hiện tốt chống rác thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.

Với sự sát sao của chính quyền địa phương cùng sự vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể, công tác VSMT tại các chợ truyền thống trong tỉnh đang dần đi vào nề nếp.

Tuy vậy, trong bối cảnh các siêu thị, mini mart và cửa hàng tiện ích mọc lên ngày càng nhiều, để giữ vững được vị thế của mình, công tác VSMT tại các chợ truyền thống cần được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa.

Đặc biệt là đối với các chợ đã được xây dựng lâu năm, cần có kế hoạch xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của bà con nhưng phải đảm bảo VSMT sạch-đẹp, hướng tới xây dựng hình ảnh chợ truyền thống văn minh, hiện đại.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/73516/bao-dam-ve-sinh-moi-truong-tai-cac-cho-truyen-thong.html