Báo động chất lượng không khí ở đô thị
Tại hội thảo “Chất lượng không khí Hà Nội: Thực trạng và định hướng giải pháp” vừa diễn ra, trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, các chuyên gia môi trường đã cảnh báo và đưa ra những kiến nghị nhằm bảo vệ, kiểm soát chất lượng không khí được tốt hơn.
Trong những ngày cuối tháng 8, chất lượng không khí ở Hà Nội đều cho những kết quả trong ngưỡng kém và xấu ở các điểm quan trắc vào đầu giờ sáng. Đặc biệt, riêng ngày 26-8, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội và các tỉnh chung quanh, thông qua các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual hay Pam Air đều ở ngưỡng rất cao, từ 151 - 200, báo động đỏ ở hầu hết các vị trí trong nội thành.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí trong nhà có hại gấp nhiều lần đến sức khỏe do con người phần lớn ở trong nhà.
Nghiên cứu về nồng độ bụi siêu mịn (PM2.5) tại nhà ở trên địa bàn Hà Nội, PGS, TS Trần Ngọc Quang, Bộ môn Vi khí hậu - Môi trường xây dựng, Trường đại học Xây dựng cho biết, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động xấu của bụi đến sức khỏe nhưng hiện chưa có công bố nào về bụi siêu mịn liên quan nhà ở tại Việt Nam. Để xác định nồng độ bụi siêu mịn trong nhà, PGS, TS Trần Ngọc Quang cùng đồng sự đã chọn các địa điểm đo ở Hà Nội là Linh Đàm, Nguyễn Khoái, Bưởi, Pháp Vân và Dương Nội. Kết quả về nồng độ bụi siêu mịn bên trong và ngoài nhà (hạt/cm³) trung bình là 27.000 - 31.000 hạt/cm³. Con số này tương đương kết quả quan trắc ở Bắc Kinh (Trung Quốc) là 30.000 hạt/cm³. Trong các địa điểm đo này thì khu vực Linh Đàm có mức độ ô nhiễm cao hơn các điểm còn lại.
“Bụi siêu mịn có tác động rất xấu đến sức khỏe. Nếu như bụi mịn khi vào cơ thể chỉ nằm lại ở cuống phổi thì bụi siêu mịn đi vào sâu trong túi phổi, chuyển từ hệ tiêu hóa sang hệ tuần hoàn, gây ra các bệnh tim mạch”, ông Quang khẳng định.
Theo Thạc sĩ Ngô Quốc Khánh, Phòng Công nghệ môi trường, Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động, không chỉ bụi mịn, nghiên cứu của WHO còn chỉ ra các chất ô nhiễm thông thường có thể tìm thấy trong nhà (nhà ở, văn phòng làm việc) là bụi bông, khói thuốc, formaldehyde, ozone, benzene... và vi sinh vật. Các chất nói trên được phát ra từ nhiều nguồn trong nhà như khói thuốc lá, bếp than tổ ong, bếp dầu, bếp ga (thải ra khí CO2), quá trình xào nấu thức ăn, phát sinh từ thiết bị văn phòng như máy in, máy photocopy, thảm lau chùi, đồ gỗ, sơn, chất tẩy rửa, đồ nhựa.
Nghiên cứu cho thấy, do sự tồn tại của formaldehyde ở môi trường trong nhà (gỗ, rèm cửa, chăn gối, drap trải giường, bọc đệm ghế, thảm...) luôn cao hơn môi trường ngoài trời nên việc nhiễm formaldehyde đối với sức khỏe con người diễn ra liên tục và có tính tích lũy. Khí ozone làm tổn thương đường dẫn khí, dẫn đến viêm các tế bào gây ho, ngứa họng, khó chịu trong lồng ngực đồng thời làm nặng hơn các bệnh về hô hấp. Trong khi đó, tiếp xúc nhiều với benzene có thể gia tăng nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu cũng như nhiều loại bệnh khác liên quan máu. Riêng chỉ tiêu về vi sinh vật vượt xa khuyến cáo rất nhiều lần. Nguyên nhân là do việc sử dụng tuần hoàn không khí của hệ thống điều hòa, thông gió. “Nhiều người có thói quen hay mở cửa thông gió để đón không khí vào phòng. Điều này là cần thiết, nhưng nếu mở cửa đúng lúc không khí đang ô nhiễm nặng thì lại “lợi bất cập hại”, ông Khánh cho biết.
Hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn hay khuyến cáo chính thống nên việc đánh giá chất lượng môi trường không khí trong nhà vẫn đang là thách thức. Vì vậy, theo các chuyên gia, cần nhanh chóng nghiên cứu, biên soạn tiêu chuẩn, khuyến cáo về nồng độ chất ô nhiễm cho phép trong không khí trong nhà. Ngoài ra, nên tổ chức quan trắc, đo đạc và đưa ra các đánh giá chất lượng không khí ngoài trời cũng như trong nhà định kỳ tại các khu vực nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.
Đối với người dân, mỗi cá nhân hãy chủ động nâng cao hiểu biết để có cách bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Theo đó, chọn khẩu trang có khả năng ngăn được bụi mịn cũng như tránh hoạt động mạnh ở ngoài trời khi không khí ô nhiễm, chỉ số chất lượng không khí cảnh báo ở mức không tốt hoặc nguy hại. Thay đổi thói quen sinh hoạt, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa như hút bụi, giặt rèm cửa, giặt thú nhồi bông... Không nên hút thuốc trong nhà, không vận hành xe ô-tô hoặc động cơ chạy bằng nhiên liệu trong ga-ra. Nếu đun nấu, bếp cần có ống khói, máy hút mùi và trồng thêm cây xanh để điều hòa không khí.