Báo động chất lượng sát hạch lái mô tô
Với mô tô, xe máy, việc siết chặt đào tạo phần nào đang bị lãng quên, trong khi loại phương tiện này liên quan tới 70% số vụ TNGT.
Nhiều năm qua, liên tiếp các chính sách được ban hành để siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe ô tô. Tuy nhiên, với mô tô, xe máy, việc này phần nào đang bị lãng quên, trong khi loại phương tiện này liên quan tới 70% số vụ TNGT.
Kỳ 1: Học đơn giản, thi dễ dãi
Công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng lái mô tô, xe máy đang tồn tại nhiều lỗ hổng, cả học và thi đều rất dễ dãi, chỉ cần đi vài vòng số 8, số 3 là có bằng…
Đi vài vòng số 8 là có bằng
“
Quy định thi và cấp bằng mô tô
Theo quy định Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ quy định đối với thi GPLX mô tô, người thi bằng lái xe các hạng: A1, A2, A3, A4 được tự học các môn lý thuyết nhưng phải đăng ký tại cơ sở được phép đào tạo để ôn luyện, kiểm tra.
Thời gian đào tạo đối với hạng A1 là 12 giờ (lý thuyết: 10 giờ, thực hành lái xe: 2 giờ). Hạng A2 là 32 giờ (lý thuyết: 20 giờ, thực hành lái xe: 12 giờ). Hạng A3, A4 là 80 giờ (lý thuyết: 40 giờ, thực hành lái xe: 40 giờ).
Thi lý thuyết gồm các câu hỏi liên quan đến quy định của Luật Giao thông đường bộ, kỹ thuật lái xe.
Thi thực hành đối với hạng A1, A2, người dự thi phải điều khiển xe máy qua 4 bài sát hạch: Đi theo hình số 8; Qua vạch đường thẳng; Qua đường có vạch cản; Qua đường gồ ghề.
Nếu đạt nội dung lý thuyết và thực hành thì được công nhận trúng tuyển; Không đạt nội dung lý thuyết không được thi thực hành; Đạt nội dung lý thuyết nhưng không đạt nội dung thực hành được bảo lưu kết quả trong 1 năm.
”
Để tìm hiểu quá trình học bằng lái xe mô tô, xe máy, PV Báo Giao thông trực tiếp ghi nhận tại nhiều trung tâm đào tạo. Có mặt tại Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ số 1 Nghệ An (Nghệ An), ghi nhận ở sân học thực hành cho người học xe ô tô luôn trong cảnh đông đúc, ngược lại ở sân học và sát hạch xe mô tô lại vắng lặng. Tại đây, PV được một nhân viên tại trung tâm hướng dẫn: Trong các ngày hành chính đến trung tâm mua hồ sơ, lúc đi nhớ cầm theo 4 ảnh 3x4 và CMND photo không cần công chứng. “Học và thi xe máy dễ mà. Trước còn cần sách học chứ giờ lên mạng là có hết. Mua hồ sơ rồi về học bộ đề thi trên điện thoại ít hôm là thi được ngay. Thi xong ít hôm là có bằng”, nhân viên này nói.
Anh N.V. vừa lấy bằng lái A1 cho biết, thi bằng lái A1 rất dễ dàng, lấy bằng nhanh và gọn: “Chỉ cần chụp hình thẻ và xuất trình thẻ căn cước công dân, giấy khám sức khỏe, mua tài liệu về ôn thi là xong. Trước ngày thi chỉ cần đi vài vòng số 8, số 3 là vào thi luôn, đợi khoảng 1 tuần là được cấp bằng”.
Trung tuần tháng 3/2020, PV liên hệ với Trung tâm học lái xe Đ.T (quận Phú Nhuận, TP HCM) đặt vấn đề về học thi sát hạch lái xe A1, một nam nhân viên tư vấn: “Anh chỉ cần cung cấp hình, CMND, khi đăng kí sẽ có tài liệu ôn thi lý thuyết”. Khi PV hỏi về lịch đi học lý thuyết và thực hành, người này nói: “Tài liệu được trung tâm cung cấp, học viên tự học ở nhà, trước ngày nếu ai có nhu cầu sẽ đi xe trước giờ thi, không học thực hành. Sau khi thi xong dự kiến khoảng 20 ngày sau được cấp bằng”.
Tại khu học thực hành lái xe của Trường Cao đẳng nghề số 5 (Bộ Quốc phòng) trên đường Đỗ Bá (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), các học viên sử dụng xe do trường bố trí, tập luyện trên bài thi sát hạch trong hình với đầy đủ các phần thi như: Qua hình số 8, số 3; lái xe qua vệt bánh xe; lái xe qua vạch cản và lái xe trên đường gồ ghề với sự hướng dẫn của giảng viên. Ghi nhận của PV, hầu hết các học viên đều hoàn thành bài thi một cách dễ dàng.
Thực tế việc đào tạo, cấp GPLX dễ dãi mà Báo Giao thông ghi nhận cũng được nhiều chuyên gia đánh giá việc này đang bị thả nổi. Ông Tri Văn Điền, Phó trưởng phòng hướng dẫn lái xe an toàn của một HEAD Honda trên địa bàn TP HCM cho rằng, quá trình cấp bằng mô tô, xe máy còn sơ sài, chỉ cần đăng ký và qua vài buổi học thực hành rồi thi lấy bằng trong vòng 1 tháng đã có thể lấy GPLX. “Việc học viên chưa được hướng dẫn các kỹ năng lái xe an toàn cơ bản rất nguy hiểm khi tham gia giao thông. Nhiều năm qua, Cục CSGT còn phải thường xuyên mời các chuyên gia về tập huấn rèn luyện kỹ năng lái xe an toàn nâng cao khi thi hành công vụ, huống chi các học viên chỉ học một thời gian ngắn được cấp bằng rồi vi vu trên đường”, ông Điền nói.
Ông Phùng Văn Huệ, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe an toàn Honda cho biết, hầu như các trung tâm không đào tạo về lái xe mô tô mà đang chạy theo số lượng để phổ cập bằng lái mô tô, xe máy, không phải đào tạo lái xe an toàn.
“Hầu hết người mua xe máy đã biết điều khiển xe nên họ tự học sau đó mới đi thi lấy bằng. Khi đi thi làm sao để họ lượn thành công 1 vòng số 8 và được cấp bằng. Nếu chỉ sát hạch trong vòng số 8 sẽ không đảm bảo mà phải thực hiện trên đường trường mới kiểm chứng được kỹ năng và tuân thủ pháp luật ATGT trên đường. Các kỹ năng đi thế nào đảm bảo an toàn, ngồi thế nào cho đúng, cua vòng thế nào để an toàn, kỹ năng phanh, kỹ năng giữ thăng bằng... hầu như không ai biết. Ngay cả với CSGT, trong quá trình dạy cho họ chúng tôi thấy họ cũng không biết quy tắc này”, ông Huệ nói.
Có bằng cũng không hiểu luật
Tìm hiểu của PV, cả nước hiện có hơn 40 triệu xe mô tô, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước. Theo các chuyên gia, mô tô, xe máy, gồm cả xe máy điện, là phương tiện có tỷ lệ người sử dụng bị tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) cao nhất, với mức nguy hiểm gấp 4 lần ô tô con, 10 lần xe buýt, 13 lần tàu điện đô thị. TNGT tăng đột biến trong đó lỗi phần lớn thuộc về người điều khiển mô tô.
TS. Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức cho biết, theo nghiên cứu, xe máy, gồm cả xe máy điện, là phương thức có tỷ lệ hành khách bị tử vong do TNGT cao nhất.
Ở các thành phố lớn, xe máy liên đới trên 60% tổng số vụ TNGT, va chạm chủ yếu xảy ra với chính xe máy, xe tải, xe ô tô con, người đi bộ. Các hành vi vi phạm của người điều khiển xe máy gây ra tới 70 - 80% các vụ tai nạn. Phỏng vấn chuyên sâu cho thấy, khoảng 14% người điều khiển xe máy không có bằng lái, trên 70% hổng kiến thức về Luật GTĐB và cách ứng xử an toàn trên đường.
Từ thực tế trên, ông Vũ Anh Tuấn cho rằng, công tác đào tạo, sát hạch lái xe cho đối tượng này vẫn tồn tại những lỗ hổng. Thực tế từ những vụ TNGT xảy ra thời gian qua cho thấy các vụ đều ít nhiều liên quan đến chất lượng đào tạo. Điều này được thể hiện qua sự yếu kém của lái xe khi xử lý, nhận diện tình huống khi tham gia giao thông.
TS. Phan Lê Bình, giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật đánh giá, trước việc bùng nổ mô tô, xe máy ở Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu cho số lượng lớn người điều khiển xe máy nên việc cấp bằng khá dễ dãi. Người dân không cần học nhiều thi nhiều, thậm chí nhiều người lái xe máy không có bằng vẫn điều khiển xe. Trường hợp có bằng cũng không hiểu Luật GTĐB, đơn giản như hành vi tạt đầu ô tô, hay khi rẽ không bật đèn xi-nhan thường gặp trên đường. “Chúng ta đang quá chú trọng nhiều đến đào tạo, sát hạch lái xe ô tô mà quên đi một đối tượng rất quan trọng là đào tạo, sát hạch cho người lái xe máy”, ông Bình nói.
Theo ông Phùng Văn Huệ, thời gian qua, nhiều quy định được ban hành để quản lý tốt công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe ô tô như: Ứng dụng công nghệ để giám sát chặt chẽ việc đào tạo, thực hành. Tuy nhiên, việc này không được áp dụng với loại hình đào tạo mô tô, xe máy. Người học chỉ tốn dưới 1 triệu đồng là đã có tấm bằng lái với sự hỗ trợ của các trung tâm bảo đảm đỗ 100%.
“Với chất lượng đào tạo như thế, khó lường được hậu quả khi những người tham gia học tập không nghiêm túc vẫn được cấp bằng lái xe. Từ kết quả nghiên cứu của Honda tại Thái Lan cho thấy, hơn 50% số vụ TNGT xe mô tô xảy ra do người điều khiển không được đào tạo. Vì vậy, cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe mô tô, xe máy hiện nay”, ông Huệ nói.
“Chúng ta đang đi ngược với thế giới!”
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, mô tô, xe máy đáp ứng trên 80% nhu cầu đi lại của người dân, chiếm hơn 90% tổng số phương tiện giao thông đường bộ, song đến giờ, trong Luật GTĐB những vấn đề dành cho xe máy quá ít.
“Chúng ta đang đi ngược với thế giới. Ở nhiều nước, để có được GPLX mô tô là cực khó, khó hơn nhiều so với lái xe ô tô. Trong khi ở Việt Nam, việc đào tạo, sát hạch GPLX mô tô lại quá dễ, quy trình quá đơn giản. Thực tế, người điều khiển mô tô, xe máy đa số tự học, tự hướng dẫn nhau là chính. Việc chỉ đi vòng số 8 là xong mà không có sát hạch các kỹ năng hết sức cơ bản như: Nhận biết biển báo, sang đường, sử dụng gương, xi-nhan thế nào, đến đèn xanh đèn đỏ thì phanh dừng ra sao, đi trên đường nhiều làn xe thì phải đi làn nào…”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, thống kê cho thấy, có tới gần 70% số vụ do người điều khiển mô tô, xe máy gây ra. Đặc biệt, gần 90% số nạn nhân thương vong do TNGT là người đi mô tô, xe máy. “Những năm qua, mặc dù Việt Nam đã kiềm chế được TNGT, nhưng trật tự ATGT vẫn rất phức tạp, trong khi việc kéo giảm TNGT chưa thật bền vững, số người chết và số người bị thương vì TNGT vẫn ở mức cao, tổn thất về TNGT vẫn rất lớn”, ông Hùng nói.
Thay bộ câu hỏi, yêu cầu lắp camera giám sát
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, chương trình đào tạo lái xe mô tô vừa mới được bổ sung thêm quy định người học phải học phòng chống tác hại rượu, bia. Trong sát hạch đã thay bộ câu hỏi, yêu cầu các trung tâm lắp camera theo dõi, giám sát. “Một số nước, người dân muốn có GPLX phải học trước khi điều khiển xe tham gia giao thông. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì ngược lại, gần như lúc đi học thi lấy bằng họ đã biết điều khiển phương tiện”, ông Thống nói.
Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/bao-dong-chat-luong-sat-hach-lai-mo-to-d457710.html