Báo động đỏ an ninh nguồn nước
Làm thế nào để đáp ứng đủ nước cho đời sống của gần 100 triệu dân và sản xuất của đất nước là mục tiêu của đề án 'Bảo đảm an ninh nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045', sẽ trình Quốc hội xem xét.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn NGUYỄN HOÀNG HIỆP có cuộc trao đổi với Báo Nhân Dân chung quanh những vấn đề đang đặt ra cũng như những giải pháp trước mắt và lâu dài về an ninh nguồn nước.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, trước hết, chúng ta phải hiểu vấn đề An ninh nguồn nước như thế nào? Liệu đây có phải là vấn đề nguy cấp đáng báo động hiện nay hay không?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Trong tất cả các loại hình thiên tai thì thiên tai liên quan đến nước là khủng khiếp nhất, khốc liệt nhất, thừa cũng rất nguy hiểm và thiếu càng nguy hiểm hơn. Người xưa vẫn thường nói : "thủy, hỏa, đạo tặc" là vậy. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra định hướng là cần phát triển nhanh và bền vững. Muốn phát triển nhanh thì các giải pháp đã có, nhưng muốn bền vững thì nước và môi trường là hai yếu tố cốt lõi.
Trở lại câu hỏi, an ninh nguồn nước ở Việt Nam đã cấp bách chưa? An ninh nguồn nước đã thật sự cấp bách, đến mức Chính phủ đã trình Quốc hội, sau đó Quốc hội đã tổ chức đi khảo sát các vùng miền trên cả nước, sau đó đưa ra Quốc hội báo cáo kết quả giám sát. Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, ra Nghị quyết số 124/2020/QH14, ngày 11/11/2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 giao Chính phủ xây dựng đề án “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045”, trình Quốc hội khóa XV xem xét tại kỳ họp cuối năm 2021.
Phóng viên: Có thể thấy rằng, trữ lượng nước của nước ta (cả nước mặt và nước ngầm) khá phong phú, nhưng lại phân bổ không đều, dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu, lúc thừa, lúc thiếu?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Thứ nhất, nếu xét về tổng lượng nước thì Việt Nam không thiếu nước. Hiện nay, tổng lượng nước ở Việt Nam một năm là khoảng 830 tỷ mét khối, trong khi nhu cầu của chúng ta hiện nay mới dùng khoảng 100 tỷ mét khối. Vấn đề ở đây là nước phân bổ không đồng đều, cả về không gian và thời gian. Về không gian, lượng nước này tập trung chủ yếu vào một số vùng. Có một số vùng lượng mưa rất lớn, nhưng có một số vùng nhiều tháng, thậm chí cả năm không có mưa, không có nước. Theo thời gian thì lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa mưa, còn mùa khô gần như không có mưa. Như vậy, tổng lượng nước thì lớn, nhưng nguy cơ thừa, thiếu lại rất cao.
Vấn đề thứ hai, nước ở Việt Nam có khoảng 830 tỷ mét khối mỗi năm, nhưng lượng nước sản sinh tại lãnh thổ Việt Nam chỉ có 37%, còn lại 63% là nước từ bên ngoài chảy về. Đến 90% lượng nước ở đồng bằng sông Cửu Long và 60% lượng nước ở đồng bằng sông Hồng là từ bên ngoài vào, đây thật sự là vấn đề lớn. Nếu chỉ xét lượng nước sản sinh trên lãnh thổ, thì lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam ở mức thấp so với thế giới. Do đó, nếu xét trên lãnh thổ, việc chủ động được thì nước ở Việt Nam lại là khá thấp. Theo Liên hợp quốc đánh giá thì Việt Nam là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á và ở “tốp” cao trên thế giới về mất an ninh nguồn nước.
Ngoài ra còn một vấn đề đáng báo động khác nữa về an ninh nguồn nước, đó là ô nhiễm. Đây là nguy cơ rất lớn và nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại nhiều địa phương đang rất đáng lo ngại. Nhiều hệ thống kênh, rạch, ao hồ... hiện nay đang ô nhiễm trầm trọng, do tình trạng xả thải bừa bãi, chưa qua xử lý. Theo thống kê thì nguồn thải gây ô nhiễm 70% là từ các khu dân cư, sinh hoạt, làng nghề, 30% là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất. Như vậy là có nước mà không dùng được. Từ ba yếu tố chính về an ninh nguồn nước đó có thể khẳng định rằng, an ninh nguồn nước ở Việt Nam đã đến mức báo động đỏ và an ninh nguồn nước là vấn đề bức xúc nghiêm trọng hiện nay.
Phóng viên: Vậy chúng ta có những giải pháp gì cho vấn đề an ninh nguồn nước, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Trước tiên, chúng ta phải làm thế nào để sử dụng tốt nhất nguồn nước nội sinh (37% tổng lượng nước). Thứ hai, sử dụng hiệu quả và hợp lý nhất nguồn nước ngoại sinh (63%). Hiện nay, các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công, sông Đà đang có chiến lược về sử dụng nước dòng chính rất mạnh. Thí dụ, riêng thủy điện, đến năm 2020 trên dòng chính Mê Công đang tích 45 tỷ mét khối nước. Tuy nhiên trong chương trình của các nước thì đến năm 2030, các thủy điện sẽ tích khoảng 70 tỷ mét khối và đến năm 2040 sẽ tích 110 tỷ mét khối nước. Khi đó, hệ quả đối với vùng hạ lưu chúng ta sẽ rất khủng khiếp. Thủy điện sẽ chắn lại toàn bộ bùn, cát, cá, ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thủy ở hạ du. Mặc dù chúng ta đã có các cơ chế hợp tác quốc tế rất hiệu quả như hợp tác Mê Công, Mê Công - Lan Thương, Mê Công - Mỹ, Mê Công ASEAN..., nhưng vẫn cần hợp tác và đấu tranh theo đúng với các quy định của luật pháp quốc tế, một cách kiên trì, bền bỉ, lâu dài hơn.
Đến thời điểm này, có thể nói chúng ta đang đấu tranh có hiệu quả, khi các nước phía thượng nguồn xây thủy điện thì phải bảo đảm các yếu tố kèm theo như có dòng nước cho cá đi, có cửa xả cát để bảo đảm phù sa lưu thông...
Một nguy cơ cao hơn là các nước thượng nguồn chuyển nước khỏi lưu vực. Làm thủy điện thì nước bị ngăn lại nhưng vẫn ở trong lưu vực, tích vào mùa mưa nhưng sẽ xả vào mùa khô, nhưng nếu chuyển nước khỏi lưu vực thì sẽ mất hẳn. Về nguyên tắc là không cho phép chuyển nước khỏi lưu vực, cái này đã có cơ chế, nhưng cũng không đơn giản vì đó là hợp tác quốc tế.
Tiếp nữa, chúng ta phải áp dụng các giải pháp khoa học để dự báo chính xác nhất có thể diễn biến nguồn nước ở thượng lưu, các lưu vực, để chủ động các phương án, nếu nước về ít thì tính phương án cho thiếu nước, khô hạn, nếu nhiều thì tính phương án ứng phó lũ lụt…
Phóng viên: Việc quy hoạch, và chủ động cấp, tưới, tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất, dân sinh... cũng là những giải pháp cần triển khai ngay để bảo đảm an ninh nguồn nước, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Phương án chúng ta vẫn làm xưa nay là xây hồ chứa, nhưng sau khi nghiên cứu thì những chỗ còn có thể làm được hồ chứa hiện nay chỉ còn chứa được khoảng 2 tỷ mét khối.
Thực tế cho thấy việc tích nước không tập trung (hồ nhỏ, ao…) vừa đơn giản rẻ tiền, lại đạt hiệu quả cao, giải quyết được rất nhiều nhu cầu về nước. Giải pháp chuyển nước cũng đã được tính đến. Tức là Việt Nam cần có đường ống dẫn nước như đường điện. Thế nhưng, với địa hình như chúng ta thì không thể làm được trong phạm vi rộng. Trước mắt, chúng ta thực hiện chuyển nước trong vùng và liên vùng. Thí dụ, hồ Tân Mỹ của Ninh Thuận sức chứa 200 triệu mét khối nước, chúng ta dẫn nước từ Tân Mỹ chia ra các hồ đang có sẵn ở Ninh Thuận, do đó giải quyết toàn bộ hạn cho phía bắc Ninh Thuận…
Ngoài ra còn giải pháp sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm (khoảng 60 tỷ mét khối, chúng ta đang khai thác khoảng 10 tỷ mét khối). Nguồn nước này rất lớn, lại tự bổ sung hằng năm. Tuy nhiên, việc khai thác nước ngầm đang có mấy vấn đề đặt ra: khai thác bừa bãi, gây sụt lún, cạn dòng, hạ mực nước và ô nhiễm tụt xuống theo mạch ngầm. Cho nên cần phải khai thác có kế hoạch, quy hoạch. Chẳng hạn, trong một xã không nên khoan quá nhiều điểm, chỉ khoan một số điểm, sau đó tích để cho sinh hoạt và sản xuất.
Phóng viên: Vấn đề an toàn đập, hồ chứa nước cũng hết sức đáng quan tâm, thưa Thứ trưởng, nhất là trong điều kiện rất nhiều công trình đập, hồ chứa của chúng ta đã xây dựng lâu năm, đang bị xuống cấp?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Chúng ta hiện có 7.016 hồ đập lớn nhỏ, trong đó 466 hồ thủy điện, còn lại hồ thủy lợi hơn 6.500 cái. Tổng dung tích trữ của tất cả hồ đập này vào khoảng 55 tỷ mét khối nước, trong đó hồ thủy lợi tích khoảng 15 tỷ mét khối nước, còn lại là hồ thủy điện. Như vậy, số lượng hồ thủy điện ít, nhưng lại tích nước gấp hơn ba lần hồ thủy lợi.
Chúng ta đã đầu tư rất nhiều để bảo đảm an toàn hồ chứa. Thực trạng hiện nay, đối với các hồ chứa mới thì khá yên tâm. Tuy nhiên, trong số hơn 7.000 hồ hiện nay, chủ yếu là hồ nhỏ (dưới 1 triệu mét khối) và đều đã làm từ lâu, thậm chí có hồ làm từ thời Pháp thuộc; rất nhiều hồ do người dân tự làm, không có quy chuẩn, không có kỹ thuật như bây giờ, nên xuống cấp là đương nhiên. Theo thống kê, số hồ xuống cấp cần sửa ngay là 200 cái (nếu không sửa là vỡ), số hồ có vấn đề (thấm, lún) khoảng 1.000 cái. Trong phòng, chống thiên tai, qua tổng kết cho thấy, nếu chúng ta bỏ ra một đồng để phòng, bằng bảy đồng để chống, còn trong an toàn hồ đập thì, bỏ ra một đồng để phòng, bằng bỏ ra hàng nghìn đồng để chống…
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, nói vậy thì hiện trạng hồ đập của chúng ta hiện nay có thể yên tâm được không?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Cơ bản là yên tâm. Chính phủ đã bố trí các nguồn lực để bảo đảm an toàn tuyệt đối các hồ, đập từ 3 triệu mét khối trở lên, nghĩa là có thể yên tâm với những hồ có thể gây ra thảm họa lớn. Còn lại những hồ, đập vừa và nhỏ, Chính phủ đã bố trí một chương trình vốn đầu tư công trung hạn để sửa, cộng cả các nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2025, chúng ta cơ bản bảo đảm an toàn các hồ loại vừa, còn các hồ nhỏ (dưới 500 mét khối), các địa phương thẩm định trước mùa mưa bão để bảo đảm sửa chữa, an toàn.
Vấn đề thứ hai trong an toàn hồ đập chính là vận hành. Vận hành mới là vấn đề quan trọng. Hồ đập tốt, nhưng vận hành không tốt vẫn gây mất an toàn. Chính vì vậy cần có quy trình vận hành đúng, bảo đảm tính toán để khi nào xả, xả bao nhiêu... cho phù hợp để đạt cả hai hiệu quả tích nước và an toàn hồ đập tối ưu. Hiện nay, khi có mưa bão thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao vận hành liên hồ chứa, bảo đảm hiệu quả nhất.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/bao-dong-do-an-ninh-nguon-nuoc-672123/