'Báo động đỏ' nghề khai thác thủy sản (bài 4)

'Ông Thơ sắm chiếc tàu dài 32m, công suất máy gần 1.000CV, mỗi lần ra biển phải sắm tổn ngót nghét 250 triệu, gần hai năm hạ thủy tàu đi biển, cứ gặp điệp khúc: Đủ - lỗ - đủ - lỗ. Lưới rách nhiều không có tiền gọi thợ tới vá, tôi thấy ông chủ Thơ cũng 'rách' như lưới mành chụp của ông vậy'.

Lưới vây trũ muồng bắt cá nhỏ li ti chưa kịp trưởng thành. Ảnh: Hải Luận

Lưới vây trũ muồng bắt cá nhỏ li ti chưa kịp trưởng thành. Ảnh: Hải Luận

Bài 4: Nợ “bủa vây” tứ phía chủ tàu cá

Đó là nhận xét của thuyền trưởng Lê Tuấn Hiệp, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, bạn “chí cốt” với ông Cao Văn Thơ, chủ tàu, đồng thời là thuyền trưởng chiếc tàu mành chụp trị giá gần 20 tỉ đồng. Mùa này là chính vụ làm mành chụp, chuyến biển vừa rồi, tàu ông Thơ đánh bắt được 15 tấn cá các loại, lỗ ròng trên 100 triệu đồng. “Muốn có lãi, tàu tui phải đánh bắt đạt sản lượng từ 30 tấn trở lên, vì giá mực quá rẻ, đi biển dài ngày tàu mới cập bờ, chất lượng cá rất thấp, bán theo giá “cá phân” cho các công ty sản xuất thức ăn gia súc, từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Tiếng là tàu lớn, lưới rộng, nhưng chẳng có gì” - Thuyền trưởng Thơ tính toán chi li.

Đổ dồn vào “vòng kim cô” đánh bắt

Nếu thống kê các tàu đánh cá bị thua lỗ như ông Thơ ở các tỉnh thì rất nhiều, họ giống như bị “chìm” xuống nước rồi, may nhờ có “cái phao” là tiền hỗ trợ dầu của Chính phủ cấp hàng quý, nên còn bám vào chưa chìm hẳn. “Hễ đi vay mượn tiền đi biển, mình phải cam kết sẽ lấy 1 cục tiền dầu được hỗ trợ để trả nợ, nhờ vậy họ mới cho mình vay. Không có “cục tiền dầu” kia thì họ không bao giờ cho chủ tàu vay đâu, kể cả mua dầu cũng không cho thiếu nợ, ai cũng biết nghề khai thác đang gặp nhiều khó khăn” - Một thuyền trưởng tiết lộ.

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có đội tàu gần 111.000 chiếc. Vùng biển từ thành phố Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu có chiều rộng lớn nhất nước, ngư dân các địa phương này đã đầu tư đội tàu đánh cá xa bờ lớn nhất. Đó là chưa kể số tàu lớn ở các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ và phía Nam cũng dồn về vùng biển này đánh bắt. Số tàu dài trên 15m của thành phố Đà Nẵng có 560 tàu, Quảng Nam có 782 tàu, Quảng Ngãi có 3.330 tàu, Bình Định 3.118 tàu, Phú Yên 692 tàu, Khánh Hòa 748 tàu, Ninh Thuận trên 600 tàu, Bình Thuận gần 2.000 tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu 2.900 tàu. Tổng số 9 địa phương đã cấp phép tàu hoạt động xa bờ là gần 17.000 chiếc.

“Ban đêm, nếu ra ngoài vùng biển khơi, sẽ thấy ánh sáng điện của tàu đánh cá sáng rực như thành phố, đi đâu cũng đụng tàu đánh cá. Lớp tàu câu mực xà, lớp tàu câu cá ngừ đại dương, mành chụp, lưới vây... Cá ở đâu mà sinh sản cho kịp để cung cấp cho đội tàu dày đặc như vậy? Nguồn lợi thủy sản đã vào giai đoạn suy kiệt, ngư dân cứ “đắp đổi” đầu này, đầu kia, càng đi biển thì càng lâm nợ. Đây là một thực tế rõ như ban ngày. Tàu giã cào ở Quảng Ngãi nằm xếp lớp, rao bán mà không có ai mua. Nói một câu cho “thật vuông”, nợ “bủa vây” tứ phía chủ tàu cá” - Chủ tàu Lê Văn Pháp, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nói lên sự thật.

- Biển Đông rộng lớn, số tàu đánh cá ở các tỉnh miền Trung ăn thua gì đâu? - Tôi hỏi.

- Tính ra km thì rộng đó, thử hình dung tàu cả nước, đặc biệt tàu các tỉnh miền Trung là ngư trường truyền thống, họ tập trung dồn về đây đánh bắt. Tất cả các tàu đánh cá xa bờ đã lắp đặt máy giám sát hành trình, tàu đi ra đụng đến 116 độ kinh Đông, máy giám sát hành trình báo động: Tít, tít, tít, cảnh báo tàu đã đụng đến ranh giới, phải quay mũi vào, không được xâm phạm vùng biển nước ngoài. Tàu nào cố tình vượt qua, mấy ông Chi cục thủy sản ngồi trên máy nhìn thấy, gọi điện về nhà yêu cầu chủ tàu phải kêu thuyền trưởng chấp hành đúng quy định. Nếu tàu nào cố tình vi phạm, về bờ họ phạt rất nặng, đã có tàu bị phạt 800 triệu đến 1 tỉ đồng rồi, đủ để dẹp nghề luôn.

Chính ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần cảnh báo về “nghề cá nhân dân”, số lượng tàu đánh cá quá lớn, vượt sức chịu đựng của biển cả và nguồn lợi thủy sản.

Hàng loạt nghề “phạm” Luật Thủy sản

Một thực tế hiện nay, vùng biển ven bờ biển từ Nam đến Bắc, diễn ra tình trạng nghề khai thác thủy sản mang tính tận thu, tận diệt, với số lượng hàng vạn phương tiện. Phổ biến nhất là loại nghề giã nhũi (xiệc), loại này họ dùng 2 cái càng thật dài, xòe ra 2 bên ở trước mũi, phía dưới có bộ lưới rất dày, dây chì họ gắn thêm sợi dây điện trần, gắn với máy xung điện, mức nước hoạt động chỉ từ 2-5m. Mỗi khi loại giã nhũi này đi qua, tất cả các loại sinh vật, từ ấu trùng đến cá tôm nhỏ bằng ngón tay chết sạch. Gần như tỉnh, thành nào cũng có loại này, nhiều nhất những địa phương có vịnh, cửa biển lớn.

Loại kế tiếp, thuyền giã cào (lưới kéo) nhỏ, người dân hay gọi “cào cốc ổi”, loại này vừa càn quét các loại thủy sản non. Đáy giã cào có gắn sợi chì, dây sắt và những tấm sắt to, kéo lê dưới mặt đáy biển, tàn phá hệ sinh thái vùng đáy biển khủng khiếp. Đó là chưa kể loại “xung điện chiến thuật” kéo bằng tay, với mức nước dưới 1m.

Các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ sắm loại lưới vây trũ mùng (mắt lưới dày như muồng) với số lượng hàng nghìn tàu, giàn lưới dài gần 1.000m, độ sâu 50 - 100m. Tôi đã đi theo loại tàu này để tận mắt chứng kiến sức tàn phá hủy diệt nguồn lợi thủy sản “xóa trắng” từng vùng biển. Đa phần các loại tàu này có gắn thiết bị dò cá, khi phát hiện đàn cá nhỏ, họ chạy tàu thả lưới bao vòng tròn, với diện tích khá lớn, do đánh sát bờ, sát đảo, dây chì kéo luôn mặt đáy, phao trên nổi trên mặt nước. Với mắt lưới nhỏ như muồng, họ bắt tất cả các loại sinh vật.

Vùng ven bờ, ven đảo là “cái nôi” và chỗ sinh sản của các loài sinh vật biển, nuôi dưỡng và trưởng thành, là nguồn giống cung cấp cho đại dương bao la. Vậy mà ngư dân thi nhau chặn đánh bắt, tàn sát thủy sản từ lúc mới sinh ra. Trong khi đó, nghiêm cấm... hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản” tại Điều 7, Luật Thủy sản quy định rất rõ.

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải thật cương quyết thi hành Luật Thủy sản, loại bỏ ngay những nghề khai thác mang tính hủy diệt. “Biển đói” và “biển chết” cũng có nguyên nhân nằm ở đây.

Bài 5: Cho biển “nghỉ” để tái tạo nguồn lợi

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-dong-do-nghe-khai-thac-thuy-san-bai-4-post439574.html