Báo động đuối nước trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5: Làm gì để phòng chống đuối nước dịp hè này?

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn thương tâm do đuối nước, đặc biệt ở trẻ em. Do đó, việc nâng cao kỹ năng phòng tránh đuối nước là điều cần thiết, nhất là thời điểm mùa hè oi nóng đang cận kề.

Dịp lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày rơi đúng vào thời điểm nắng nóng. Vì vậy, không ít người đổ xô đến các bãi biển, sông suối vui chơi, tắm mát. Trong 5 ngày nghỉ lễ đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước làm nhiều người tử vong, mất tích.

Đáng chú ý, Quảng Ngãi là địa phương có số người gặp tai nạn, tử vong, mất tích do đuối nước cao nhất cả nước trong dịp lễ này. Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận 20 trường hợp bị đuối nước. Các lực lượng chức năng và người dân tại địa phương đã ứng cứu được 16 người, còn lại 4 trường hợp tử vong và mất tích. Theo đó, cả 4 nạn nhân đều là học sinh. Đến nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy 2 thi thể trong số 4 nạn nhân mất tích nêu trên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cũng trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Quảng Trị ghi nhận trường hợp nam thanh niên bị đuối nước thương tâm khi tắm biển. Cụ thể, vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 1/5, trong lúc đang tắm biển tại bãi tắm Thái Lai, xã Vĩnh Thái, anh Nguyễn Lê L.S (sinh năm 2004) thôn Sa Bác, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh bị nước cuốn mất tích. Sau 1 ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng phát hiện thi thể nạn nhân tại vị trí cách chỗ gặp nạn khoảng 50m về phía Nam.

Tại Lâm Đồng, cơ quan chức năng cũng xác nhận đã xảy ra một vụ đuối nước khiến một nam du khách tử vong khi đi dã ngoại trên địa bàn xã Bà Gia (huyện Đạ Huoai) vào ngày 30/4. Nạn nhân là anh Tr.Đ.H.N. (SN 1993, trú tại TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Theo đó, anh N. cùng 4 người bạn (đều ngụ tại Bà Rịa – Vũng Tàu) đi xe máy đến suối Đạ Huoai (đoạn qua thôn 1, xã Bà Gia) để dã ngoại. Trong lúc nhóm đang chuẩn bị đồ ăn, anh N. xuống suối tắm và không may bị đuối nước.

Có thể thấy, vào các dịp lễ, số vụ tai nạn do đuối nước lại tăng cao, đặc biệt là ở trẻ em. Theo thống kê, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có gần 2.000 trẻ em bị đuối nước. Trong đó, nhiều vụ đuối nước xảy ra tại các bãi tắm tự phát, không có lực lượng cứu hộ.

Nguyên nhân dẫn đến đuối nước phần lớn do ý thức của người dân về việc tự bảo vệ bản thân trong môi trường nước chưa cao. Nhiều gia đình chưa sát sao trong quản lý con em. Nhiều người không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan khi tắm biển, sông suối nên dẫn đến tai nạn đuối nước.

Khi bị đuối nước, khả năng tử vong rất cao hoặc có thể để lại di chứng tổn thương não nặng nề. Tuy nhiên, việc sơ cứu chưa được tiến hành kịp thời, tích cực và đúng phương pháp nên khả năng được cứu sống rất thấp. Vì vậy, việc xử trí cấp cứu đúng cách trong trường hợp này rất quan trọng.

Làm gì để phòng chống đuối nước cho trẻ em?

Phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc dạy trẻ học bơi mà phải trang bị cho các em những kiến thức và kỹ năng nhận biết môi trường an toàn để vui chơi, sinh hoạt. Trong thực tế, đặc biệt tại những khu vực nông thôn hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với rủi ro nói chung và đuối nước nói riêng cho trẻ em vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để chủ động phòng ngừa các tai nạn đuối nước, các biện pháp cụ thể, thiết thực cần được triển khai đồng bộ. Tại các khu vực gần ao, hồ, sông, suối hay giếng khơi – những nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn – cần lắp đặt rào chắn kiên cố, có biển cảnh báo rõ ràng để ngăn không cho trẻ nhỏ tiếp cận một cách tự do và không an toàn. Các bể bơi công cộng nên được thiết kế với độ sâu phù hợp cho từng độ tuổi, đồng thời phải được trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ, phương tiện cấp cứu và có người giám sát chuyên trách túc trực thường xuyên.

Vai trò của người lớn, đặc biệt là cha mẹ, người chăm sóc trẻ, là cực kỳ quan trọng trong việc quản lý, giám sát trẻ em. Không nên để trẻ chơi một mình gần khu vực có nước mà không có người lớn đi kèm. Cùng với đó, cần tăng cường giáo dục cho trẻ về kiến thức phòng tránh tai nạn đuối nước thông qua các hoạt động học tập tại trường, chương trình cộng đồng hoặc qua các lớp kỹ năng sống. Dạy trẻ biết cách bơi an toàn không chỉ là dạy kỹ thuật, mà còn phải dạy trẻ biết đánh giá tình huống nguy hiểm, xử lý khi bị rơi xuống nước hoặc gặp người khác gặp nạn.

Đối với trẻ lớn hơn, việc giáo dục nâng cao nhận thức để các em tự biết phân biệt đâu là khu vực nguy hiểm, biết từ chối khi bạn bè rủ rê tắm sông, tắm ao là điều không thể thiếu. Trẻ cần hiểu rằng dù biết bơi, việc tự ý tiếp cận các vùng nước tự nhiên như ao, hồ, kênh rạch… khi không có người lớn đi cùng vẫn rất nguy hiểm.

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/bao-dong-duoi-nuoc-trong-ky-nghi-le-30-4-1-5-lam-gi-de-phong-chong-duoi-nuoc-dip-he-nay-d205832.html