Báo động gia tăng cháy rừng: Lửa bén từ 'lỗ hổng' ý thức hay thời tiết cực đoan?

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 129 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 150 ha rừng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024.

Khoảng 19h ngày 12/4 người dân phát hiện đám cháy tại tiểu khu 291 thuộc địa phận thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu. (Nguồn: TTXVN)

Khoảng 19h ngày 12/4 người dân phát hiện đám cháy tại tiểu khu 291 thuộc địa phận thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu. (Nguồn: TTXVN)

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra tại nhiều tỉnh phía Bắc đã thiêu rụi hàng trăm ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Theo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), số vụ cháy rừng ghi nhận trong 3 tháng qua đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024.

Đáng chú ý, nguyên nhân gây cháy rừng, không chỉ đơn thuần là do điều kiện thời tiết cực đoan, mà còn bởi “lỗ hổng” ý thức do các hành vi bất cẩn như đốt rác, đốt ong, xử lý thực bì, vứt tàn thuốc lá trong điều kiện gió mạnh và độ ẩm không khí thấp khiến thảm thực vật rất dễ bén lửa.

Số vụ cháy rừng tăng đột biến

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 129 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 150 ha rừng. Trong đó, vụ cháy rừng cuối tháng Ba vừa qua tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã làm 1 người tử vong, thiêu rụi trên 20ha rừng.

Sau vụ cháy trên, tình trạng cháy rừng vẫn xuất hiện tại một số địa phương ở khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn. Mới đây nhất, là vụ cháy rừng “xuyên địa giới” xảy ra vào chiều 16/4 tại khu vực giáp ranh giữa huyện Yên Thủy (Hòa Bình) và thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Chia sẻ với báo chí về tình trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm - ông Đoàn Hoài Nam cho rằng tình hình cháy rừng trong các tháng qua, thực sự rất đáng báo động. Nhất là khi số vụ cháy rừng và diện tích bị thiệt hại tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024.

Một điều khác mà ông Nam lưu ý, là tình trạng cháy rừng trong hơn 3 tháng qua cho thấy xu hướng cháy rừng không chỉ xuất hiện tại những khu vực có nguy cơ cao đã được cảnh báo, mà còn có thể lan sang cả những vùng trước đây ít ghi nhận sự cố.

“Điều này cho thấy biến đổi khí hậu đang làm xáo trộn quy luật khí hậu địa phương đồng thời cảnh báo sự lơ là trong quản lý và giám sát lửa rừng,” ông Nam nói.

Đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cũng chỉ ra vấn đề chủ quan hiện nay, đó là hệ thống cảnh báo nguy cơ cháy rừng vẫn chủ yếu dựa vào số liệu từ các trạm khí tượng cố định - vốn mang tính cục bộ, không phản ánh hết vi khí hậu trong khu vực rừng núi. Đơn cử như trong một địa bàn huyện, có nơi vừa mưa xong, độ ẩm cao, trong khi khu rừng bên kia núi đã khô hanh và gió lớn, rất dễ phát sinh cháy.

Những bài học từ các vụ cháy xảy ra trong thời gian qua cho thấy nếu không được kiểm soát chặt chẽ, thì chỉ cần một cơn gió lớn, tàn lửa từ đống rác tại khu vực dân cư cũng có thể cuốn vào khu vực có thảm thực vật khô, bùng phát thành cháy lớn.

Lấy ví dụ về những đám cháy vừa xảy ra, ông Nam cho biết một số vụ cháy gần đây xảy ra ở vùng núi đá, không thuộc quy hoạch đất rừng khiến dữ liệu theo dõi thiếu cập nhật, việc bố trí lực lượng và cảnh báo gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, phương tiện chữa cháy hiện nay cũng còn rất thô sơ, chủ yếu dựa vào sức người và dụng cụ thủ công như dao phát, cành cây, bình xịt tay; cũng như thiếu thiết bị cơ giới, thiết bị bay, vòi phun cao áp và hệ thống cảnh báo từ xa. Do vậy, khi đám cháy lan rộng, những công cụ này gần như không thể kiểm soát được ngọn lửa.

 Các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp nguy hiểm. (Nguồn: Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm)

Các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp nguy hiểm. (Nguồn: Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm)

Cảnh giác cao độ, lơ là sẽ trả giá đắt

Nhận định thêm về nguy cơ cháy rừng trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm Đoàn Hoài Nam, cho biết khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ đang dần chuyển sang giai đoạn nắng nóng cao điểm, nên nguy cơ cháy rừng sẽ tăng lên mức rất cao. Hiện tại, cục đã phát cảnh báo cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) tại nhiều khu vực ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.

Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết khô hanh, ít mưa, gió mạnh càng khiến nguy cơ cháy lan nhanh và khó kiểm soát. Vì vậy, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm khuyến cáo người dân và du khách theo dõi sát các thông tin dự báo, cảnh báo cháy rừng trên website của cục để kịp thời phát hiện và xử lý các điểm cháy.

Ông Nam cũng lưu ý hiện nay đang cao điểm mùa trồng rừng, nhiều nơi thực hiện xử lý thực bì, phát dọn và đốt rác hữu cơ ven rừng, trong khi điều kiện gió mạnh và thảm thực vật khô, có thể khiến cháy lan vào rừng chỉ trong vài phút.

Do đó, bên cạnh việc kiểm soát các diện tích có rừng, các địa phương cần đặc biệt lưu ý các vùng giáp ranh giữa đất sản xuất - đất rừng, các nương rẫy mới dọn hoặc khu vực người dân hay đốt rác. “Mỗi điểm lửa nhỏ đều cần giám sát kỹ, bởi một tàn tro bay theo gió có thể là nguyên nhân thiêu rụi cả cánh rừng,” ông Nam lưu ý.

Cũng theo ông Nam, nếu để cháy rừng xảy ra, cái mất không chỉ là cây gỗ, tre nứa hay dược liệu, mà còn hủy hoại lớp phủ bảo vệ đất, làm suy giảm chất lượng nước và tăng nguy cơ sạt lở, xói mòn, sâu xa hơn là ảnh hưởng tới cả hệ sinh thái.

Hơn thế, cháy rừng không chỉ gây thiệt hại về tài nguyên mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới độ đa dạng sinh học và an ninh sinh thái, đặc biệt là tại nhiều khu vực miền núi khi sinh kế phụ thuộc vào rừng - từ lâm sản, cây dược liệu đến du lịch sinh thái...

Đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cũng nêu quan điểm rằng một vụ cháy rừng là một bước thụt lùi trong cả hành trình bảo vệ môi trường, chống sạt lở và giữ gìn sinh kế cho người dân vùng cao. Lý do bởi mỗi ha rừng bị cháy là một phần lớp giáp sinh thái bị bóc mất. Ngoài ra, khói từ cháy rừng làm suy giảm chất lượng không khí, là nguồn gây ô nhiễm không khí cục bộ, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Vì vậy, thời gian tới, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp, đầu tư bài bản vào hệ thống cảnh báo sớm ứng dụng dữ liệu vệ tinh, cảm biến nhiệt độ thực địa, dự báo khí tượng vi mô cùng một số công nghệ tiên tiến khác để phân tích sớm nguy cơ cháy rừng; xây dựng lực lượng chữa cháy bán chuyên nghiệp tại các xã có rừng, được huấn luyện bài bản và trang bị tốt hơn công cụ phù hợp với địa hình miền núi.

Đặc biệt, các địa phương cần mở rộng các mô hình quản lý rừng cộng đồng kết hợp bảo vệ, phòng cháy, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của chính quyền cấp xã, thôn - nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân sử dụng lửa trong sản xuất và sinh hoạt.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng được chỉ đạo điều tra nguyên nhân cháy rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng cháy chữa cháy rừng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bao-dong-gia-tang-chay-rung-lua-ben-tu-lo-hong-y-thuc-hay-thoi-tiet-cuc-doan-post1033488.vnp