Báo động gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ mang thai
Tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ngày càng tăng cao làm tăng nguy cơ dọa sinh non, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà mẹ và em bé trong tương lai.
Đó là nhận định của Phó Giáo sư Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương tại Hội nghị khoa học “Thai kỳ nguy cơ và chẩn đoán trước sinh” do Bệnh viện Hùng Vương TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/4.
Theo Phó Giáo sư Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, đái tháo đường thai kỳ là một rối loạn chuyển hóa thường gặp và có khuynh hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Ghi nhận tại một số bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, nếu như khoảng 20 năm trước tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ chỉ khoảng 2 - 3%, thì nay đã lên đến 14 - 15%. Riêng tại Bệnh viện Hùng Vương, trong năm 2016 đã tầm soát cho 19.000 thai phụ và phát hiện gần 3.000 trường hợp mắc đái tháo đường thai kỳ, chiếm 15%.
“Nếu không kiểm soát tốt, đái tháo đường thai kỳ có thể làm tăng bệnh suất và tỷ lệ tử vong ở cả thai phụ lẫn thai nhi”, Phó Giáo sư Huỳnh Nguyễn Khánh Trang khẳng định. Đái tháo đường thai kỳ làm tăng tỷ lệ sinh mổ do thai to, tiền sản giật và sản giật, băng huyết sau sinh...
Trẻ có nguy cơ sinh non, chấn thương sản khoa như kẹt vai, gãy xương đòn do thai to hay thai suy trong chuyển dạ, suy hô hấp sau sinh, đột tử thai nhi, trẻ dễ béo phì, mắc bệnh đái tháo đường sau này. Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy, có đến 17% thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ tiếp tục phải điều trị đái tháo đường type 2 sau sinh.
Trước tình hình gia tăng tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ, tháng 4/2016, Bệnh viện Hùng Vương đã thành lập đơn vị quản lý đái tháo đường thai kỳ. Các bác sỹ cảnh báo, trong giai đoạn từ tuần 24 đến tuần thứ 28, thai phụ cần tầm soát đái tháo đường. Sau khi phát hiện bệnh, thai phụ sẽ được hướng dẫn chế độ dinh dưỡng tiết chế tại nhà.
“Trong trường hợp nếu 50% thông số kỹ thuật vượt quá mức quy định, chúng tôi yêu cầu thai phụ nhập viện để điều trị. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng tiết chế, những thai phụ mắc bệnh nặng buộc phải sử dụng insulin để kiểm soát đường huyết”, Phó Giáo sư Khánh Trang chia sẻ.
Phó Giáo sư Huỳnh Nguyễn Khánh Trang khuyến cáo, ngoài dinh dưỡng tiết chế, theo dõi lượng đường huyết thường xuyên, thai phụ cần vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, tập các môn thể thao nhẹ nhàng dành riêng cho bà bầu để hạn chế nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ.