Báo động hàng Trung Quốc núp bóng hàng Việt
'Nếu Mỹ áp mức thuế cao trên 200% thì coi như mật ong Việt Nam hết đường vào thị trường nước này' - đại diện Hội Nuôi ong Việt Nam cảnh báo.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam (VN) bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí mất thị trường, làm ảnh hưởng chung đến nền kinh tế vì tình trạng bị hàng ngoại nhập núp bóng xuất xứ.
Nghi ngờ tủ bếp, tủ nhà tắm… núp bóng
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN (VIFOREST) vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành vào cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các công ty nhập khẩu bộ phận, chi tiết của các sản phẩm gỗ rủi ro như tủ bếp, tủ nhà tắm… nhập từ Trung Quốc (TQ) về VN. Lý do, những mặt hàng này có dấu hiệu gian lận xuất xứ để xuất sang Mỹ.
Cụ thể, một số công ty VN nhập khẩu mặt hàng bộ phận tủ bếp, tủ nhà tắm, gỗ dán… từ TQ. Sau đó gia công, lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh nhưng thực tế hàm lượng gia công rất ít để xuất khẩu sang Mỹ.
Chiêu thức tinh vi hơn là một số công ty Việt nhập bộ phận các mặt hàng có yếu tố rủi ro từ TQ về, rồi mua bán lòng vòng qua nhiều công ty khác nhau. Sau đó, các bộ phận mặt hàng gỗ sẽ tập hợp lại một công ty và công ty này lắp ráp, lấy danh nghĩa sản phẩm sản xuất của mình để xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST, thông tin thêm trong hai năm trở lại đây, Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của TQ. Cụ thể, Mỹ áp thuế chống bán phá giá, trợ cấp với mức thuế rất cao, 55%-200% đối với nhiều mặt hàng như gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, sofa gỗ… của TQ.
Với mức thuế cao này, các doanh nghiệp TQ chuyển hướng đầu tư nhưng cũng có trường hợp tìm các biện pháp để lẩn tránh mức thuế trên, trong đó VN có thể được chọn là một trong những điểm đến.
“Giá trị xuất khẩu của ngành gỗ tăng mạnh, đạt gần 12,5 tỉ USD trong năm 2020. Đây là điều đáng mừng nhưng cũng tiềm ẩn những yếu tố rủi ro do giá trị xuất khẩu tăng ở các mặt hàng mà Mỹ đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với TQ” - ông Lập lo ngại.
Hết đường xuất khẩu nếu bị áp thuế khủng
Không chỉ ngành đồ gỗ mà nhiều ngành hàng xuất khẩu khác của VN cũng đang đối mặt với nỗi lo mất thị trường khi bị các nước nhập khẩu đánh thuế cao liên quan gian lận xuất xứ. Điển hình là mặt hàng mật ong của VN mới đây bị Mỹ điều tra áp thuế chống bán phá giá, nguyên nhân là do một số đơn vị trong nước nhập mật ong từ TQ, Campuchia, Lào… về đóng chai, xuất khẩu.
Theo ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong VN, mức thuế chống bán phá giá mà phía nguyên đơn đề nghị áp cho mật ong của VN lên tới 207%. Mức thuế này cao hơn nhiều so với mức thuế đề xuất cho các nước khác xuất khẩu vào Mỹ. “Nếu Mỹ áp mức thuế cao này thì coi như mật ong VN hết đường vào thị trường Mỹ, trong khi Mỹ đang mua tới hơn 90% lượng mật ong xuất khẩu hằng năm của VN” - ông Tâm lo lắng.
Không chỉ lo mất thị trường xuất khẩu mà ngay tại thị trường nội địa cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng hàng nước ngoài, nhất là TQ, đội lốt xuất xứ VN. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho biết nhiều lô hàng may mặc nhập khẩu từ TQ về VN đã ghi sẵn “Sản xuất tại VN”, “Xuất xứ VN”… Thậm chí trên bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở công ty, trang web, trung tâm bảo hành tại VN để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.
“Có trường hợp doanh nghiệp gian lận xuất xứ thông qua hình thức tạm nhập tái xuất. Nghĩa là những lô hàng nhập khẩu này đáng lẽ nhập vào VN buộc phải xuất đi nhưng lại được đem đi tiêu thụ nội địa. Đây cũng chính là lý do khiến các công ty dệt may trong nước gặp nhiều khó khăn ngay trên sân nhà” - ông Hồng chia sẻ.
Phải trị tiếp tay
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, đánh giá tình trạng gian lận xuất xứ hàng Việt không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu mà nghiêm trọng hơn là làm mất uy tín thương hiệu hàng VN trên trường quốc tế. Các quốc gia nhập khẩu nếu phát hiện gian lận xuất xứ sẽ đánh thuế trừng phạt rất cao, hoặc hàng Việt bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này.
Ngoài ra, các nước nhập khẩu cũng sẽ kiểm tra luôn đối với tất cả mặt hàng có nguy cơ cao. Khi đó, nhà xuất khẩu VN sẽ bị ảnh hưởng, tốn thêm thời gian thông quan kiểm tra, giảm khả năng cạnh tranh.
Vì vậy, ông Thịnh cho rằng để ngăn chặn gian lận xuất xứ, các doanh nghiệp trong ngành hàng khi phát hiện tình trạng gian lận, đội lốt xuất xứ cần báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Bởi việc mạnh tay chống gian lận xuất xứ sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho các nhà xuất nhập khẩu VN. Bên cạnh đó cần sự quyết liệt của các cơ quan chức năng như tăng cường kiểm tra, giám sát xuất xứ, nhất là đối với các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro và nghi vấn gian lận xuất xứ cao.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM Phạm Xuân Hồng cũng cho rằng tình trạng gian lận xuất xứ gia tăng là do có sự tiếp tay của một số doanh nghiệp trong nước. Vì vậy mới có tình trạng hàng nhập từ TQ nhưng đã ghi sẵn xuất xứ VN, tên công ty tại VN.
“Tôi cho rằng cơ quan quản lý cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật liên quan theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi liên quan đến gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa nhằm tăng tính răn đe” - ông Hồng đề xuất.•
Kiểm tra các đối tượng trọng điểm
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết hàng hóa từ các nước bị áp mức thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào VN, giả mạo xuất xứ VN, sau đó xuất khẩu vào các thị trường để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì hành vi này nguy cơ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
“Cục Hải quan TP.HCM đang tiến hành phân tích các số liệu thống kê xuất nhập khẩu và các nguồn thông tin khác để xác định danh sách các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro cao về nghi vấn gian lận xuất xứ. Qua đó để áp dụng kiểm tra, kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý nghiệp vụ chuyên sâu” - ông Thắng thông tin.
Tổng cục Hải quan cũng cho hay trong năm 2020, toàn ngành đã phát hiện 45 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu. Trong năm nay, tổng cục yêu cầu các đơn vị tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào ba thị trường là Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và có nguyên liệu nhập khẩu từ TQ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/bao-dong-hang-trung-quoc-nup-bong-hang-viet-992143.html