Báo động học sinh tử vong, thương tích vì điều khiển xe máy gây tai nạn giao thông
Theo chuyên gia, việc xử phạt vi phạm hành chính dường như vẫn còn nhẹ, cần phải gắn trách nhiệm quản lý các em học sinh và phương tiện với phụ huynh lẫn nhà trường.
Nhiều trẻ vị thành niên tử vong do TNGT
Khoảng 16h ngày 16/12, đoạn quốc lộ 6 qua xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) xuất hiện 2 chiếc xe máy kẹp 3. Trên mỗi xe có 3 thiếu niên đầu trần, không ai đội mũ bảo hiểm chạy xe theo hướng Hà Nội đi Hòa Bình.
Khi đến địa phận thôn Nghĩa Hảo của xã Phú Nghĩa, 1 trong 2 xe máy này va chạm với ô tô đầu kéo biển số 29C-776.XX kéo theo rơ-moóc biển số 29R-532.XX do tài xế Đ.V.H (SN 1984, ở Chương Mỹ) điều khiển lưu thông hướng ngược lại.
Cú va chạm khiến chiếc xe máy lao mạnh rồi chui vào gầm xe đầu kéo. Hậu quả, một trong 3 nam sinh tử vong tại chỗ, 2 người còn lại bị thương. Theo cơ quan công an, các nạn nhân cùng trú huyện Chương Mỹ, gồm N.V.M (SN 2010), P.X.H (SN 2010) và N.V.N.D (SN 2007).
Vụ việc trên đây chỉ là một trong nhiều tình huống tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra thời gian gần đây liên quan đến lứa tuổi học sinh tham gia giao thông.
Trước đó không lâu, vào hồi 9h30 ngày 10/12, tài xế T.V.L (SN 1974, trú huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) điều khiển ô tô 7 chỗ BKS 93A-448.XX di chuyển trên tuyến đường qua huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Khi đến khu vực ngã ba Đông Dương, xe 7 chỗ va chạm với xe máy BKS 24B3-100.XX lưu thông theo chiều ngược lại. Cú va chạm khiến hai học sinh gồm T.A.B (SN 2011) và H.V.P (SN 2010, đều là người địa phương) bị văng xuống đường, tử vong.
Hay như vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 20h35 ngày 9/11 trên đường Ỷ Lan, thuộc xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Thời điểm này, N.S.H (SN 2006) lái xe máy BKS 29AB-413.XX chở đằng sau N.Đ.T (SN 2010) di chuyển theo hướng từ Dốc Lời đi ngã tư Phú Thị.
Trong quá trình vượt ô tô đi cùng chiều phía trước, xe máy trên đã lấn sang làn đường ngược chiều rồi va chạm với xe máy biển số 29N1-847.XX, trên xe có N.T.C (SN 2008) và N.Q.C (SN 2009) chạy theo hướng ngược lại.
Tiếp đó, xe máy BKS 29N1-847.XX đổ xuống đường và tiếp tục va chạm với xe máy BKS 29AH-051.XX do N.V.H.Đ (SN 2008) điều khiển chở theo V.V.C (SN 2008). Tai nạn liên hoàn khiến N.T.C và N.S.H tử vong tại chỗ, những nạn nhân còn lại bị thương.
Cuối tháng 10/2024 vừa qua, chỉ trong vẻn vẹn 12 ngày, Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) ghi nhận 4 vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, sinh viên khiến 5 người tử vong. Trong đó, vụ việc xảy ra ngày 15/10 trên đường Mai Chí Thọ khiến nữ sinh 14 tuổi (học sinh lớp 9) tử vong khi điều khiển xe máy 50 phân khối tông trúng xe ô tô đỗ ven đường.
Nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn xảy ra vào chiều 10/10, hôm đó 2 nữ sinh viên ngồi trên xe máy băng qua vòng xoay Phú Hữu thì va chạm với xe bồn trộn bê tông. Hậu quả, cả 2 nữ sinh ngã xuống đường và bị bánh xe cán qua.
Xử lý nghiêm hành vi giao xe cho học sinh
Số liệu của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) nêu, trong 10 tháng đầu năm 2024, có gần 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra tại các địa phương trên toàn quốc liên quan đến xe máy.
Quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT cả nước đã xử lý hơn 90.000 trường hợp học sinh vi phạm giao thông, tạm giữ trên 50.000 xe mô tô. Trong đó, có khoảng hơn 45.000 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển loại phương tiện này.
Công an các địa phương cũng xử lý khoảng 20.000 trường hợp chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Đáng chú ý, cơ quan điều tra đã khởi tố trên 100 vụ án với nhiều bị can về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Qua phân tích, Cục CSGT nhận thấy những hành vi vi phạm liên quan đến lứa tuổi học sinh lái xe gồm: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi xe dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, không có giấy phép lái xe phù hợp.
"Đây là thực trạng đáng lo ngại và là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho các vụ TNGT liên quan lứa tuổi học sinh gia tăng", đại diện Cục CSGT nêu và bổ sung, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 1.957 vụ TNGT liên quan đến trẻ em, làm chết 783 người và bị thương 2.018 người. So với cùng kỳ năm 2023 tăng 176 vụ.
Trao đổi thêm với Báo Giao thông, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, tình trạng lứa tuổi thiếu niên vi phạm luật giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng đang có xu hướng gia tăng.
"Suốt thời gian qua, cơ quan chức năng trên cả nước đã xử lý rất nhiều vụ việc, nhưng thực tế các em ở lứa tuổi học sinh vi phạm giao thông đường bộ vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng độ tuổi này sử dụng xe máy để gây rối trật tự công cộng", luật sư lo ngại.
Theo chuyên gia, việc xử phạt vi phạm hành chính dường như vẫn còn nhẹ, cần phải gắn trách nhiệm quản lý các em học sinh và phương tiện với phụ huynh lẫn nhà trường.
Ông Cường cho rằng, ngoài siết chặt công tác quản lý, sử dụng phương tiện giao thông đối với người chưa thành niên, cần xử lý nghiêm phụ huynh có hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện cầm lái.
Để giảm thiểu các vụ TNGT liên quan đến học sinh, Cục CSGT khuyến cáo các bậc cha mẹ, phụ huynh cũng như chủ phương tiện tăng cường giáo dục con em, hướng dẫn các em tham gia giao thông an toàn, đúng luật.
"Với trẻ em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, phụ huynh tuyệt đối không giao xe cho các cháu", CSGT nhấn mạnh.
Tại Hà Nội, đại diện Phòng CSGT cho biết, từ ngày 15/11-14/12, CSGT toàn thành phố đã xử lý 2.220 trường hợp học sinh vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 1,2 tỷ đồng và tạm giữ 1.027 phương tiện.
So với tháng cao điểm liền kề, số trường hợp vi phạm giảm 3.745 trường hợp. Qua phân tích, vi phạm phổ biến nhất vẫn là lỗi không đội mũ bảo hiểm (1.863 trường hợp), chưa đủ tuổi điều khiển xe (569 trường hợp), không chấp hành hiệu lệnh đèn giao thông (15 trường hợp).
Đáng chú ý, CSGT còn xác minh, xử lý với 225 trường hợp là phụ huynh, chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển.