Chính phủ Đức sụp đổ - khủng hoảng chính trị ở châu Âu
Chính trường Đức hôm qua (16/12) ghi nhận những diễn biến mới với việc Quốc hội liên bang bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ thiểu số của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Trước Đức, chính phủ Pháp đã sụp đổ. Quốc hội Pháp bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thủ tướng Pháp cách đây 12 ngày, mở đường cho tân thủ tướng lên thay. Việc 2 chính phủ lớn ở châu Âu bị bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội phần nào cho thấy khủng hoảng chính trị ở châu Âu hiện nay.
Trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng Đức Scholz, Chính phủ của ông chỉ nhận được 207 phiếu ủng hộ, trong khi có tới 394 phiếu phản đối và 116 phiếu trắng. Với việc Chính phủ không nhận được số phiếu ủng hộ quá bán, Thủ tướng Olaf Scholz buộc phải yêu cầu Tổng thống Frank-Walter Steinmeier giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm vào ngày 23/2/2025 tới, tức là sớm khoảng 9 tháng so với kế hoạch.
Trong gần 3 năm qua, liên minh cầm quyền đã có những bất đồng về chính sách ngân sách và kinh tế, gây tổn hại tới bầu không khí chung. Điều này khiến lòng tin của công chúng vào chính phủ ngày càng suy giảm. Những khác biệt trong chương trình của các chính đảng không thể được thu hẹp, tình trạng bất đồng kéo dài và tan rã là không thể tránh khỏi.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Đức thừa nhận: "Chúng ta nợ người dân sự tử tế và nghiêm túc. Nhưng lý do tôi quyết định chấm dứt chính phủ liên minh là một điều khác. Nó xuất phát từ một câu hỏi thậm chí còn quan trọng hơn, đó là câu hỏi liệu chúng ta có đầu tư vào đất nước mình hay không và đầu tư như thế nào. Mạnh mẽ và quyết đoán hay hẹp hòi và chán nản. Mọi thứ khác đều phụ thuộc vào câu hỏi này. An ninh của chúng ta, sự thịnh vượng trong tương lai của chúng ta, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, công việc tốt và giáo dục và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là sự gắn kết xã hội trong nước."
Theo Hiến pháp của Đức, sau khi nhận được yêu cầu của thủ tướng, Tổng thống Đức sẽ ra quyết định giải tán quốc hội liên bang trong vòng 21 ngày và cuộc tổng tuyển cử mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày sau đó. Hiện các chính đảng đang tích cực chuẩn bị và sẽ sớm công bố chương trình tranh cử. Sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng Olaf Scholz vẫn sẽ giữ quyền điều hành chính phủ liên minh cho tới khi chính phủ mới được thành lập sau cuộc bầu cử liên bang năm sau. Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã đánh dấu sự kết thúc chính thức của chính phủ liên minh tại Đức.
Trước đó, ngày 4/12 vừa qua, Quốc hội Pháp cũng đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thủ tướng lúc bấy giờ là ông Michel Barnier. Điều này buộc ông Barnier phải từ chức, mở đường cho François Bayrou lên thay và đánh dấu nước Pháp có bốn thủ tướng trong một năm dương lịch.
Như vậy chỉ trong chưa đầy hai tuần qua, chính phủ của hai nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu đều đã bị quốc hội nước mình bất tín nhiệm. Điều này phần nào phản ánh tình hình rối ren của Liên minh châu Âu hiện nay. Theo đánh giá của giới phân tích, bất ổn chính trị tại Đức và cả Pháp sẽ ảnh hưởng đáng kể tới Liên minh châu Âu bởi Đức và Pháp được coi là trục quyền lực chính trong khối, thúc đẩy chính sách và thiết lập các đường hướng chủ chốt trong chương trình nghị sự của khối 27 quốc gia thành viên.