Báo động mất an toàn xe đưa đón học sinh ở Đồng Nai
Trong một tuần xảy ra 2 vụ xe đưa đón 'đánh rơi' học sinh xuống đường gây bức xúc trong dư luận. Trong đó có 1 tài xế dùng GPLX giả.
Lỗi phụ huynh hay nhà trường?
Những ngày qua, đoạn clip ghi hình 2 em học sinh lớp 4 trường Tiểu học Diên Hồng trên QL1 (huyện Trảng Bom) và 3 học sinh lớp 1/6 trường Tiểu học Phan Bội Châu (phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị văng xuống đường từ xe đưa đón học sinh đã gây nhiều bức xúc trong dư luận cả nước.
Theo khảo sát của PV trên địa bàn TP Biên Hòa và các huyện Trảng Bom, Long Thành… có hàng trăm ô tô du lịch loại 16 và 25 chỗ đưa đón học sinh. Đáng chú ý, hầu hết việc đưa đón học sinh là do phụ huynh “hợp đồng miệng” với tài xế. Ông Nguyễn Văn A (phường Long Bình, TP Biên Hòa) cho biết, ông và nhóm phụ huynh cùng xóm có con học cùng trường nên “hợp đồng miệng” với tài xế, giá cả hai bên thỏa thuận chứ không ký hợp đồng gì cả. “Thấy xe có biển số, có tem đăng kiểm chúng tôi tin tưởng chứ đâu biết gì kỹ thuật và cũng không ai ngờ xe lại tệ như thế…”, ông A. nói.
Theo tìm hiểu của PV, nhiều xe được chủ xe hoán cải và nhà trường không biết, cũng như không đủ chức năng thẩm định điều kiện lưu hành của xe hay các loại giấy tờ, chứng chỉ phải có của chiếc xe và tài xế. Bà Lưu Thị Ngọc Quế, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trảng Bom cho biết: “Ôtô được các phụ huynh hợp đồng miệng với tài xế chứ không phải xe nhà trường hay do giáo viên hợp đồng. Đa số các em đi trên xe đều ở chung một xóm”.
Mở cao điểm tổng kiểm tra xử lý
Sau 2 vụ xe đưa đón “đánh rơi” học sinh, bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai đã ký công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục đảm bảo an toàn cho học sinh sử dụng, dịch vụ xe đưa đón. Theo đó, các xe đưa đón học sinh phải được ký hợp đồng, xe còn niên hạn sử dụng, có đăng kiểm đầy đủ, tài xế phải có GPLX, phù hiệu theo đúng quy định. Các cơ sở giáo dục tổng hợp nhu cầu đưa đón học sinh bằng xe ô tô, sau đó ký kết hợp đồng đưa đón học sinh với các DN, HTX vận tải đủ điều kiện hoạt động vận tải theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Phan Trong, Chánh TTGT Sở GTVT Đồng Nai cho biết, sau 2 sự cố trên, TTGT tỉnh hiện đang mở đợt tổng kiểm tra xe đưa đón học sinh trên địa bàn. Trước đó, trong tháng 9/2019, TTGT đã tạm giữ một xe đưa đón học sinh “quá đát”. Tính chung từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt VPHC 319 trường hợp vi phạm, tước GPLX 22 trường hợp. Các lỗi chủ yếu như: Quá hạn đăng kiểm, chở quá số người, không phù hiệu, không đóng cửa khi xe đang chạy. “Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với Công an tỉnh và nhà trường tuyên truyền về việc đảm bảo ATGT trên những xe đưa đón học sinh. Đối với những xe hết niên hạn sử dụng sẽ tịch thu”, ông Trong nói và thông tin, trong năm 2018, TTGT đã tịch thu thanh lý 2 xe hết niên hạn sử dụng khi chở học sinh và cả 3 xe này đều được thanh lý.
Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 3/12, ông Não Thiên Anh Minh, Phó ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho biết, sau 2 sự việc xe đưa đón “đánh rơi” học sinh, Ban ATGT tỉnh đã có cuộc họp với Công an tỉnh, Sở GTVT, Sở GD&ĐT, UBND các huyện và thành phố, yêu cầu kiểm tra, làm rõ xử lý nghiêm các vi phạm, rà soát việc thực hiện ký kết hợp đồng xe đưa đón học sinh. “Thanh tra Sở được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại số lượng xe đưa đón học sinh. Các lực lượng CSGT, TTGT mở đợt cao điểm TTKS, xử lý nghiêm vi phạm về phương tiện hết hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng không đảm bảo an toàn kỹ thuật tham gia đưa đón học sinh. Kết quả báo cáo Ban ATGT tỉnh trước ngày 15/12”, ông Minh nhấn mạnh.
Tài xế xe đưa đón học sinh dùng GPLX giả
Liên quan đến xe BKS 60V-8429 do tài xế Cao Tuấn Việt điều khiển “đánh rơi” 2 học sinh trường Tiểu học Diên Hồng (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), ông Não Thiên Anh Minh, Phó ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho biết: Xe này đã hết hạn đăng kiểm từ 16/11/2019, không có phù hiệu xe kinh doanh vận tải, không có hợp đồng. Bên trong xe, các hàng ghế được độ chế dùng dây chằng buộc sơ sài, chốt cửa cũng được độ chế thiếu an toàn là nguyên nhân dẫn đến việc các em học sinh rơi xuống đường. Khi làm việc với Công an huyện Trảng Bom và Thanh tra Sở, tài xế cung cấp GPLX hạng E, tuy nhiên qua xác minh của Sở GTVT, đây là GPLX giả.
Trước đó, ngày 26/11 cũng xảy ra vụ 3 học sinh Trường Tiểu học Phan Bội Châu (TP Biên Hòa) văng từ xe đưa đón khi đang chạy và cửa sau bị bung ra. Tài xế Trần Thúc Định (34 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) cho hay, vừa mua xe ô tô 16 chỗ BKS 51B-079.23 của người quen với giá vài chục triệu đồng. Nguyên nhân 3 em học sinh bị văng xuống đường là do chốt cửa sau đóng chưa chặt, khi đến khúc cua xảy ra sự cố đáng tiếc.
Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/bao-dong-mat-an-toan-xe-dua-don-hoc-sinh-o-dong-nai-d444206.html