Báo động nạn 'chảy máu'cổ vật
Nhiều năm qua, nạn trộm cắp cổ vật ở các di tích gây nhức nhối dư luận và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều cổ vật có tuổi thọ hàng trăm năm, có giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật quý hiếm nên các đối tượng đã dùng các thủ đoạn tinh vi để lấy cắp. Trong khi đó, việc xác định trách nhiệm công tác truy tìm còn gặp nhiều khó khăn nên phần lớn cổ vật 'một đi không trở lại'...
Cổ vật... “không cánh mà bay”
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020 trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp cổ vật, đồ thờ cúng tại đình, đền, chùa. Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội đã chủ trì phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê các vụ việc và tập trung điều tra bắt giữ đối tượng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phòng Cảnh sát hình đã tập trung lực lượng trinh sát, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các Phòng nghiệp vụ của Công an thành phố, Công an quận Hai Bà Trưng, huyện Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Oai, Phú Xuyên để phá các chuyên án.
Đến ngày 7/8/2020, lực lượng chức năng xác định đủ điều kiện để phá án và ra lệnh khám xét khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với 3 đối tượng gồm Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1965, trú tại 391 Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy, nghề nghiệp tự do), Nguyễn Văn Huy (sinh năm 1982, chỗ ở số 346 Lĩnh Nam, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, nghề nghiệp tự do, từng có tiền án trộm cắp tài sản), Nguyễn Văn Hậu (sinh năm 1990, thường trú tại thôn Bồng Lai, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, nghề nghiệp tự do, từng có tiền án về cướp tài sản và mua bán trái phép chất ma túy).
Tang vật bị thu giữ gồm 6 bình sứ màu xanh - trắng, 8 thanh bát tửu, 3 thanh kiếm gỗ màu đỏ, 2 pho tượng phật màu đỏ, 1 tòa Cửu Long, 4 vật bằng gỗ hình chiếc lá màu đỏ - vàng, 1 chiếc lọc âm màu đen, 2 chiếc đầu thu mic màu đen, 12 thanh bát tửu, 1 bài vị màu đỏ, 2 cây khuyến tẩy gỗ, đầu khắc hình rồng, 4 tượng bằng đồng, dáng con hạc đứng trên mai rùa, 1 ngai bằng gỗ màu đỏ, 2 lư hương bằng đồng, 2 tượng hình hổ bằng đồng, 2 chùy bằng gỗ, 2 thanh đao bằng gỗ, 7 chân nến bằng kim loại, 5 pho tượng bằng gỗ, 4 bát hương bằng sứ màu xanh trắng, 1 ống đựng bút bằng sứ, màu xanh trắng...
Không chỉ tại Hà Nội, tại nhiều tỉnh khác cũng xảy ra nạn trộm cắp cổ vật ở đình chùa. Còn nhớ, vào giữa tháng 2/2020, tại Nam Định cũng mất trộm hàng loạt cổ vật chỉ trong vòng một đêm. Đình làng Hạ Xá, xã Tân Khánh, huyện Vụ Bản trong một đêm kẻ gian đã đột nhập lấy đi toàn bộ 16 đạo sắc phong quý.
Không lâu sau đó, cũng tại địa bàn xã Tân Khánh, lần này ở đình làng Nhị Thôn, cũng bị kẻ gian đột nhập lấy mất 10 đạo sắc phong. Điều đáng nói là những đạo sắc phong này đã được cất khá cẩn thận với ba lớp khóa bảo vệ, nhưng những lớp khóa này đều đã bị kẻ gian phá dễ dàng.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo các cơ quan chức năng, tình trạng mất cắp cổ vật diễn ra nhiều năm nay. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hoạt động của Ban Quản lý di tích cấp xã, phường, thị trấn còn lỏng lẻo, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền cơ sở về công tác này chưa được chú trọng. Nhiều di tích chưa có sổ theo dõi di vật, cổ vật, chưa lập được hồ sơ khoa học để kiểm kê, bảo quản cũng như có phương án bảo vệ phù hợp...
Mức phạt đối với những đối tượng trộm cắp cổ vật được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về Tội trộm cắp tài sản. Người phạm tội tùy theo mức độ,tính chất của hành vi vi phạm cũng như giá trị cổ vật bị chiếm đoạt mà có thể phải chịu mức phạt: Cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến cao nhất là 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Ngoài ra, đối với hành vi mua bán cổ vật, khung hình phạt được quy định tại Khoản 5, Khoản 7, Khoản 8, Khoản 9 Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó, mức xử phạt đối với hành vi mua bán cổ vật có thể sẽ bị phạt tiền tới 40.000.000 đồng, tịch thu cổ vật tùy vào các trường hợp vi phạm. Đồng thời các đối tượng cũng bắt buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm của mình.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, ở nhiều đình, chùa, phần lớn hệ thống tường rào, cửa, khóa đều rất tạm bợ, không có bảo vệ trông coi ban đêm mà chủ yếu là các sư trụ trì tự cai quản. Việc tuần tra, phòng gian bảo mật chưa được quan tâm đúng mức. Nếu như các ngành chức năng và chính quyền địa phương không phối hợp chặt chẽ, tăng cường các biện pháp an ninh thì chẳng biết còn bao nhiêu cổ vật sẽ bị đánh cắp.
Điều đáng nói, những cổ vật quý giá hàng trăm năm của cha ông để lại bị biến mất nhưng không một ai đứng ra chịu trách nhiệm và bị xử lý trước pháp luật. Khi mất cổ vật, người trông coi các di tích ấy chỉ phải giải trình, bị nhắc nhở; còn chính quyền xã, phường thì “ngó lơ”...
Để xử lý triệt để nạn “chảy máu” cổ vật, trước tiên cần phải xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan. Theo luật sư Phạm Hải Long (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), Luật Di sản văn hóa không quy định rõ, khi để mất cổ vật, trách nhiệm sẽ thuộc về ai.
Nhưng theo Chỉ thị 05/2002/CT-TTg của Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ cổ vật trong di tích, có yêu cầu tới các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn thực hiện một số nhiệm vụ: Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích; thành lập các tổ chức an ninh tự quản tại các thôn, làng để canh gác, phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm di tích; quy định trách nhiệm cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường trong việc bảo vệ di tích trên địa bàn.
Di sản thì vô giá mà Luật Di sản không quy định rõ trách nhiệm khi cổ vật tại đình, chùa bị mất cắp. Nhưng không phải vì thế mà chính quyền địa phương “khoán trắng” trách nhiệm bảo vệ di tích cho người dân hoặc người được giao trông coi di tích. Thế nên, để bảo đảm an ninh ở khu vực các di tích, cần xác định và làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác cần phân cấp mạnh hơn để chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu chịu trách nhiệm chính với sự an toàn và nguyên vẹn của di tích, di sản./.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-dong-nan-chay-mauco-vat-111806.html