Báo động ngày càng nhiều trẻ cô đơn, nghĩ đến tự tử
Khi được hỏi về cảm giác cô đơn, tỷ lệ học sinh luôn luôn hay thường xuyên cảm thấy cô đơn là 13%. Gần 7% trẻ thường xuyên cảm thấy lo âu và có một tỷ lệ đáng kể trẻ nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử - những con số trên liệu có thực trong cuộc sống và được lý giải thế nào?
Nhiều trẻ lo âu, cô đơn, nghĩ đến tự tử
"Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019" vừa được công bố có những chỉ số hết sức quan trọng về sức khỏe tâm thần. Cụ thể, kết quả khảo sát gần 7.800 học sinh lớp 8-12 (tương ứng trẻ 13-17 tuổi) của 81 trường học - số liệu được thu thập trước khi dịch COVID-19 xảy ra cho thấy đã có 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn cô đơn. Gần 7% thường xuyên cảm thấy lo âu. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ nghiêm túc xem xét việc tự tử trong 12 tháng qua 2 lần khảo sát có giảm nhẹ nhưng trong số 6-7 trẻ thì vẫn còn 1 trẻ nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử trong một năm qua.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, GS.TS. Vũ Dũng - Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, những số liệu của cuộc khảo sát trên là chỉ số rất đáng quan tâm đối với các cấp quản lý có liên quan đến trẻ em, đặc biệt là ngành Giáo dục và Y tế, đối với các gia đình và cộng đồng xã hội.
Theo GS.TS. Vũ Dũng, cuộc khảo sát này thực hiện đối với học sinh từ 13-17 tuổi, tương đương với các khối 8, 9, 10, 11 và 12. Trong đó, khối 8 và khối 9 thuộc các trường THCS, khối 10, 11 và 12 thuộc hệ thống trường THPT.
Đối với nhóm học sinh này có một yếu tố đặc biệt liên quan đến sự lo âu và căng thẳng tâm lý của các em là kỳ thi chuyển cấp và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.
Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam lý giải, đối với học sinh lớp 9 phải chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. Đây là một thử thách lớn đối với học sinh. Có thể nói đây là kỳ thi tạo áp lực lớn nhất cho học sinh và các gia đình học sinh (nó còn tạo áp lực lớn hơn kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi vào đại học). Đó là áp lực phải vào được các trường THPT công lập hay các trường THPT có chất lượng tốt. Áp lực này tạo ra sự lo lắng, căng thẳng rất lớn đối với học sinh.
Đối với học sinh lớp 12 phải thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy áp lực của kỳ thi này không lớn bằng kỳ thi vào lớp 10, song vẫn là một thử thách lớn đối với học sinh. Vì kết quả của kỳ thi này liên quan đến việc các em vào các trường đại học. Kết quả thi tốt sẽ đảm bảo cho các em vào các trường đại học có uy tín và sau này tốt nghiệp các trường đại học có uy tín các em sẽ có việc làm tốt. Chính vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vẫn tạo ra căng thẳng, lo lắng lớn cho học sinh.
Với hai kỳ thi này, ngoài áp lực của chính các kỳ thi, học sinh còn phải chịu áp lực của cha mẹ và những người thân khác trong gia đình về việc các em phải đạt kết quả cao của hai kỳ thi. Nhiều em không đủ bản lĩnh, ý chí để vượt qua các áp lực này và đã nghĩ đến việc tự tử như là cách để giải tỏa áp lực và sự căng thẳng trên.
Như vậy, cuộc khảo sát này đã được thực hiện ở nhóm học sinh có hai thời điểm đặc biệt, khá nhạy cảm là kỳ thi chuyển cấp và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Hai thời điểm này là hai thời điểm tạo nên áp lực lớn, tạo nên sự căng thẳng, lo lắng lớn của học sinh. Nên tỷ lệ gần 7% thường xuyên cảm thấy lo lắng và có một tỷ lệ đáng kể trẻ nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử là vấn đề mà chúng ta có thể lý giải được.
Nguyên nhân vì đâu?
GS.TS. Vũ Dũng cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ phải đối mặt với sự cô đơn. Thứ nhất, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường hiện nay, nhiều cha mẹ học sinh đã phải dành sức lực và thời gian cho sự mưu sinh.
Qua khảo sát của chúng tôi cho thấy nhiều bậc cha mẹ ở độ tuổi lao động sống ở nông thôn phải ra các thành phố lớn làm việc để đảm bảo cuộc sống gia đình và có tiền chi cho con ăn học. Họ giao việc quan tâm chăm sóc trẻ cho ông bà hoặc trẻ tự lo liệu cuộc sống và học hành của mình.
Cha mẹ không có thời gian giao tiếp, không có điều kiện để hiểu về tâm lý và học hành của con, hiểu về những khó khăn tâm lý, những băn khoăn của con, về khó khăn của con trong học tập và cuộc sống. Khoảng cách giữa cha mẹ và con ngày một xa hơn.
Thứ hai, ở thành phố, nhiều gia đình cha mẹ phải lo công việc cơ quan, lo việc kinh doanh, nên cũng ít có thời gian quan tâm và hiểu về con. Mặt khác, điều kiện sống ở đô thị chật hẹp, các em không có nhiều không gian để chơi thể thao và các hoạt động giải trí khác. Tuy có các hoạt động xã hội do đoàn thể, cộng đồng tổ chức, song chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của trẻ.
Hoạt động giao tiếp của trẻ với nhau cũng bị hạn chế bởi sự quản lý và giám sát của gia đình, bởi việc học thêm quá nhiều (do các gia đình muốn như vậy). Các gia đình luôn quản lý và giám sát trẻ vì sợ các em sa đà vào các tệ nạn xã hội (ma túy, nghiện game…), vì sợ bắt cóc hay lạm dụng tình dục…
Tất cả các điều kiện trên đã làm cho học sinh ngày nay dễ bị cô đơn. Con số 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn cô đơn như Báo cáo đã chỉ ra là có thực trong cuộc sống.
(Còn nữa...)
Đỗ Vi