Báo động nguồn nước sạch thế giới đang cạn dần

Trong cảnh báo được đưa ra vào đầu tuần này, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, hồ, sông và tầng chứa nước đang bị suy thoái ở một nửa số quốc gia trên khắp thế giới. Tình trạng này đe dọa sức khỏe, sinh kế của hàng tỷ người và dự kiến, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong thập kỷ này.

Nước thải công nghiệp xả thẳng xuống sông Ergene ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Environment and Society

Nước thải công nghiệp xả thẳng xuống sông Ergene ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Environment and Society

Khoảng 90 quốc gia có tình trạng suy thoái nguồn nước

Cảnh báo trên được nêu rõ trong một bản báo cáo mới của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP). Trong đó có những đánh giá chi tiết nhất từ trước đến nay về hệ sinh thái nước ngọt trên thế giới, bao gồm sông, hồ và tầng chứa nước ngầm.

UNEP cũng cảnh báo, những nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu đã thống nhất trên toàn cầu về khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh vào năm 2030 đang có những biểu hiện đi chệch hướng một cách đáng báo động.

Báo cáo của UNEP lập luận rằng, các hệ sinh thái nước ngọt sạch là điều cần thiết cho an ninh lương thực và nước, giảm thiểu tác động của khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Mặt khác, các hệ sinh thái quan trọng này đang tiếp tục phải đối mặt với mức độ suy thoái đáng kể trên toàn thế giới với những tác động tiêu cực chủ yếu do ô nhiễm, đập nước, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu... dẫn đến lũ lụt và hạn hán khắc nghiệt hơn.

Theo báo cáo, khoảng 90 quốc gia có ít nhất một loại hệ sinh thái nước ngọt đang bị suy thoái. Trong khi đó, trên toàn thế giới, dòng chảy của các con sông đã giảm ở 402 lưu vực trên toàn cầu, đánh dấu mức tăng gấp 5 lần kể từ năm 2000; các vùng nước mặt đang thu hẹp hoặc biến mất ở 354 lưu vực. Đồng thời, nước tự nhiên và nước chưa qua xử lý đang ngày càng ô nhiễm hơn; các nỗ lực quản lý nước bị cản trở bởi sự hỗ trợ tài chính không hiệu quả...

Những yếu tố này gây ra hậu quả là quần thể các loài sinh vật nước ngọt đã giảm mạnh tới 83% kể từ năm 1970, trong khi hiện nay có khoảng 2 tỷ người không được tiếp cận với nước uống an toàn và gần một nửa dân số thế giới phải chịu tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Theo UNEP, biến đổi khí hậu và sự gia tăng dân số toàn cầu sẽ làm trầm trọng thêm các rủi ro liên quan đến nước trong những năm tới. Dữ liệu của UNEP cũng chỉ ra rằng, sức khỏe và sinh kế của 4,8 tỷ người có thể gặp rủi ro vào năm 2030, nếu chất lượng nước và hoạt động giám sát không được cải thiện.

Bên cạnh đó, rừng ngập mặn - nơi cung cấp các nguồn nước sạch, môi trường sống và cô lập carbon đang bị tổn thất đáng kể ở một số khu vực trên thế giới, ngay cả khi tốc độ phá rừng ngập mặn nói chung đã ổn định trong thập kỷ qua.

Một yếu tố khác là sự nóng lên toàn cầu khiến các con sông băng, các tảng băng tan chảy ở Greenland, Tây Nam cực... làm tăng thể tích của đại dương, dẫn tới mức nước biển dâng cao, đe dọa các cộng đồng ven biển, vùng trũng thấp và các quốc đảo nhỏ. Việc nước biển dâng cao cũng tác động đáng kể tới nguồn nước ngọt.

Nguồn lực chưa tương xứng với ý chí

Các cảnh báo của UNEP được đưa ra bất chấp cam kết của các chính phủ nhằm cải thiện chất lượng và tính khả dụng của nước ngọt trên toàn thế giới. Đáng chú ý nhất là chính phủ các nước đã ký kết Mục tiêu phát triển bền vững thứ 6 của LHQ (SDG 6) nhằm đạt được vệ sinh nước sạch và bền vững cho tất cả mọi người vào năm 2030, cũng như hơn 800 cam kết về nguồn nước trên toàn cầu được bảo đảm tại Hội nghị nước của LHQ diễn ra vào năm ngoái. Trong đó, khoảng 45 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) đã tham gia nỗ lực khôi phục 300.000km sông bị suy thoái và khoảng 350 triệu ha đất ngập nước bị suy thoái vào năm 2030.

Theo bà Dianna Kopansky, chuyên gia cấp cao của UNEP, những cam kết toàn cầu đạt được trong thời gian qua là rất đáng hoan nghênh nhằm cải thiện chất lượng và tính khả dụng của nước ngọt. Các nỗ lực toàn cầu có thể ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái đáng lo ngại đang diễn ra với hệ sinh thái. Tuy nhiên, cần có nhiều hỗ trợ tài chính hơn nữa từ các chính phủ và khu vực tư nhân nếu muốn đạt được các mục tiêu đã được định ra.

Bà Kopansky cũng nhấn mạnh rằng, thời điểm hiện tại là “cột mốc” quan trọng. Các cam kết chính trị toàn cầu về quản lý nước bền vững chưa bao giờ cao như hiện nay, bao gồm cả việc thông qua các nghị quyết về nước của LHQ.

Tuy nhiên, nguồn lực tài chính song hành với các cam kết chính trị là chưa tương xứng, chưa đáp ứng đủ cho các hành động cần thiết. Các chính sách bảo vệ và phục hồi được thiết kế riêng cho các khu vực khác nhau có thể ngăn chặn hiệu quả các tổn thất và cho thấy rằng, việc đảo ngược tình trạng suy thoái đang trong tầm tay. Vấn đề chỉ là phải có thêm nguồn lực tài chính.

Một trong những nội dung quan trọng tại báo cáo của UNEP cho biết, trái ngược với phần lớn châu Phi và một số khu vực châu Á, việc xây dựng các hồ chứa nước ở các khu vực như Bắc Mỹ, châu Âu... đang góp phần vào việc tăng tổng công suất dự trữ nước và nguồn cung cấp nước sạch trên toàn cầu.

Bất chấp các nỗ lực này, dựa trên xu hướng hiện tại, UNEP không kỳ vọng thế giới sẽ đạt được mục tiêu quản lý nước bền vững cho đến năm 2049. Điều này có ý nghĩa là ít nhất 3,3 tỷ người ở hơn 100 quốc gia có khả năng vẫn chưa có khuôn khổ hiệu quả để cân bằng nhu cầu nước vào năm 2030.

Do đó, UNEP kêu gọi các chính phủ mở rộng và phát triển các chương trình giám sát nước sạch, áp dụng các nỗ lực khoa học công nghệ và khám phá tiềm năng của hoạt động quan sát trái đất qua vệ tinh để giúp lấp đầy khoảng trống dữ liệu và đưa ra hành động có mục tiêu nhằm cải thiện chất lượng và tính sẵn có của nước.

Tổng Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen cho biết: "Chúng ta vẫn cần lấp đầy những khoảng trống quan trọng, vì khi chúng ta chứng minh được rằng quản lý nước tốt sẽ thúc đẩy các mục tiêu phát triển khác, chúng ta có thể đảm bảo được ý chí chính trị, nguồn lực đầy đủ và tiến triển thực sự đối với SDG 6".

Bà Dianna Kopansky cho biết: “Hành tinh xanh của chúng ta đang nhanh chóng bị tước mất các nguồn nước ngọt và tài nguyên lành mạnh. Điều này dẫn tới viễn cảnh đáng lo ngại về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học”.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-dong-nguon-nuoc-sach-the-gioi-dang-can-dan-post480168.html