Báo động nhà thầu dự án 7.000 tỷ làm ẩu để máy thi công va chạm với tàu hỏa
Vụ va chạm khiến 4 đoàn tàu bị chậm, làm ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động vận tải, gây bức xúc đến hành khách và giảm uy tín của ngành đường sắt.
Trách nhiệm chính thuộc về nhà thầu phụ Mai Dương
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Ban QLDA85 tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến sự cố xảy ra lúc 16h20 ngày 8/10/2022 tại Km 1201+500 khu gian Đông Tác - Tuy Hòa làm chậm 4 đoàn tàu, làm ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động vận tải, gây bức xúc đến hành khách và giảm uy tín của ngành đường sắt.
Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA85 rà soát thủ tục chấp thuận cho Công ty CP Xây dựng và thương mại Mai Dương (đơn vị để xảy ra sự cố) thi công gói thầu số 8, dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.
Chiều nay (2/11), trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải, lãnh đạo Ban QLDA85 (chủ đầu tư dự án) cho biết, đơn vị vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về kết quả xử lý vụ việc này.
Theo Ban QLDA85, trên cơ sở biên bản sự cố tai nạn giao thông đường sắt do cán bộ Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn lập ngày 8/10/2022 và nội dung các văn bản liên quan, Ban QLDA85 đã yêu cầu nhà thầu và tư vấn giám sát kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến sự cố xảy ra, thực hiện bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của Tổng công ty đường sắt Việt Nam và chấn chỉnh thực hiện các biện pháp an toàn lao động, an toàn đường sắt theo đúng biện pháp thi công được duyệt, hợp đồng đã ký kết.
Thực hiện chỉ đạo của Ban QLDA85, nhà thầu thi công đã có Văn bản 157 ngày 25/10/2022 và tư vấn giám sát có Văn bản CS18-B85- 221020 ngày 20/10/2022 báo cáo đánh giá nguyên nhân xảy ra sự vụ, kiểm điểm tập thể, các cá nhân liên quan và kết quả khắc phục đền bù thiệt hại cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam kèm theo các biên bản trong quá trình xử lý sự vụ.
Văn bản của Ban QLDA85 báo cáo Bộ GTVT nêu rõ: Dựa trên kết quả kiểm tra tại hiện trường, báo cáo của nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và đối chiếu các điều khoản quy định tại các hợp đồng đã ký kết giữa chủ đầu tư với nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, Ban QLDA85 xác định việc để xảy ra sự vụ ngày 08/10/2022 gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến công tác chạy tàu qua khu vực thi công trách nhiệm chính thuộc nhà thầu thi công và tư vấn giám sát.
Thông tin về kết quả xử lý trách nhiệm và bồi thường cho Tổng công ty ĐSVN, đại diện Ban QLDA85 cho biết, nhà thầu thi công đã họp kiểm điểm và đưa ra hình thức nhắc nhở, kiểm điểm phê bình Ban điều hành thi công, phê bình đối với cán bộ kỹ thuật, tổ trưởng tổ sản xuất thuộc nhà thầu phụ Công ty CPXD và Thương mại Mai Dương.
"Trên cơ sở Văn bản 3282 ngày 19/10/2022 của Tổng công ty đường sắt Việt Nam về việc bồi thường chi phí phát sinh do vi phạm và gia hạn thi công trên đường sắt Quốc gia (gói 7.000 tỷ) nhà thầu thi công Công ty CPXD và Thương mại Mai Dương đã nộp số tiền bồi thường cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam đúng theo yêu cầu", Ban QLDA85 nêu rõ.
Công ty Mai Dương được chọn làm thầu phụ có đúng quy định?
Liên quan đến chỉ đạo của Bộ GTVT về việc rà soát thủ tục chấp thuận cho Công ty CP Xây dựng và thương mại Mai Dương (đơn vị để xảy ra sự cố) thi công, đại diện Ban QLDA85 cho biết, trên cơ sở hồ sơ mời thầu thi công xây dựng gói thầu số 8: Thi công xây dựng hạng mục công trình ga mở mới, kéo dài đường ga, mái che - ke ga, hàng rào, đường gom và các công trình trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, liên danh nhà thầu Công ty CP ĐT&XD công trình 3 - Công ty CP XD công trình Trường Lộc - Công ty CP XD CT và ĐT 120 - Công ty CP XL và cơ khí cầu đường đã đề xuất nhà thầu phụ (Công ty CPXD và Thương mại Mai Dương) trong hồ sơ dự thầu và có hợp đồng nguyên tắc thuê thầu phụ ký giữa Công ty CP ĐT&XD công trình 3 và Công ty CPXD và Thương mại Mai Dương.
Sau khi trúng thầu và triển khai thực hiện hợp đồng, thành viên liên danh Công ty CP ĐT&XD công trình 3 đã có Văn bản 567 ngày 31/10/2020 trình tư vấn giám sát và chủ đầu tư chấp thuận Công ty CPXD và Thương mại Mai Dương là nhà thầu phụ thi công các hạng mục hành lang an toàn giao thông tại các lý trình Km437+980-438+600; Km475+393-Km476+650; Km775+538,5-Km775+900; Km1079+900 - Km1080+850 và Km1201+400 - Km1201+888 với giá trị khoảng 18,603 tỷ đồng.
Trên cơ sở ý kiến của Tư vấn giám sát tại Văn bản CS18-X8/201123-1 ngày 23/11/2020, Ban QLDA85 đã có Văn bản 2476 ngày 1/12/2020 chấp thuận nhà thầu phụ thi công (Công ty CPXD và Thương mại Mai Dương) theo đúng quy định và thẩm quyền của chủ đầu tư quy định tại khoản 3 điều 4 Nghị định 37 ngày 22/4/2015 của Chính Phủ.
Cần biện pháp mạnh răn đe nhà thầu, xem xét trách nhiệm của ban quản lý dự án
Trong văn bản vừa gửi đến Bộ GTVT, ông Hoàng Gia Khánh - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong thời gian qua việc thi công các công trình đường sắt trong dự án 7.000 tỷ đã gây rất nhiều khó khăn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Đặc biệt là khi xảy ra sự cố, tai nạn sẽ gây hậu quả khó lường, tác động đến tâm lý khách hàng, chủ hàng khi lựa chọn phương tiện vận tải đường sắt.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có nhiều văn bản kiến nghị đảm bảo thi công để không ảnh hưởng an toàn chạy tàu. Tuy nhiên việc sự cố, tai nạn giao thông ảnh hưởng vận tải đường sắt vẫn tiếp tục xảy ra.
Gần nhất, ngày 8/10/2022 vào lúc 16h20 phút, tại điểm thi công Km1201+500 khu gian Đông Tác - Tuy Hòa, gói thầu số 8 thuộc dự án 7.000 tỷ do Ban QLDA 85 làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Công ty CP xây dựng và thương mại Mai Dương đang thi công đường gom đã để máy xúc đỗ trong khổ giới hạn đường sắt, làm tàu SE8 đâm vào, gây hư hỏng đầu máy.
Vụ việc đã gây chậm các tàu SE8 đỗ khu gian 40 phút; tàu SE21 đỗ ga Hòa Đa 4 phút, đỗ ga Tuy Hòa thêm 22 phút; tàu SE5 đỗ ga Hòa Đa 25 phút; tàu H44 đỗ ga Hòa Đa chờ tránh tàu 89 phút; gây mất an toàn giao thông đường sắt, ảnh hưởng thiệt hại đến hoạt động vận tải, gây bức xúc đến hành khách, khách hàng, ảnh hưởng lớn uy tín của ngành đường sắt, cũng như thiệt hại tài sản của Nhà nước.
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu và hoạt động vận tải đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị xem xét trách nhiệm của Ban QLDA để xảy ra các vụ việc và chỉ đạo các Ban QLDA có các biện pháp, hình thức xử lý cụ thể, có tính răn đe các nhà thầu để xảy ra sự cố mất an toàn trong quá trình thi công.
Đồng thời, quyết liệt trong công tác chỉ đạo quản lý, kiểm soát các nhà thầu đã để xảy ra các sự cố gây mất an toàn chạy tàu, an toàn giao thông đường sắt, khẩn trương, nghiêm túc hoàn thành trách nhiệm bồi thường các thiệt hại gây ra. Các Ban QLDA, nhà thầu thi công phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn và tiến độ của dự án.
Ngoài ra, các ban quản lý dự án cần yêu cầu lực lượng điều hành dự án, tư vấn giám sát thường xuyên có mặt tại hiện trường để kiểm tra giám sát việc thực hiện các điều kiện an toàn trong trong quá trình thi công.
Được biết, 4 dự án đường sắt cấp bách sử dụng vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 có tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng.
Trong đó, 3 dự án do Ban QLDA Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn.
Còn lại, một dự án do Ban QLDA85 làm đại diện chủ đầu tư là dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang.