Báo động số liệu hệ thống camera giám sát tại Việt Nam bị hack
Theo thuyết minh dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin cơ bản cho camera giám sát sử dụng giao thức Internet của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều camera giám sát tại Việt Nam đang bị chia sẻ.
Hơn 800 nghìn camera giám sát tại Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai trên Internet
Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Thông tư ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin cơ bản cho camera giám sát sử dụng giao thức Internet”, (IP camera). Theo đó, một nội dung trình bày đang được dư luận hết sức quan tâm đó là số liệu báo động về hệ thống camera giám sát tại Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai trên Internet.
IP camera (Internet Protocol Camera) là camera kỹ thuật số có khả năng gửi và nhận dữ liệu qua Internet, có thể hoạt động độc lập và truyền hình ảnh trực tiếp đến thiết bị kết nối mạng như điện thoại, máy tính, hoặc máy chủ lưu trữ.
Cụ thể, tại phần thuyết minh dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin cơ bản cho IP camera, hệ thống giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện hơn 800 nghìn camera giám sát của Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai trên mạng Internet , trong số đó có 360 nghìn camera (chiếm 45%) có nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng dễ bị khai thác tấn công, chiếm quyền điều khiển.
Ước tính đến 2025, Việt Nam có hơn 20 triệu camera giám sát được sử dụng, bằng 1/5 dân số cả nước
Bộ Thông tin và Truyền thông
Nguy hiểm hơn nữa, một số thông tin, hình ảnh và video lộ còn được công khai "rao bán" trên các diễn đàn mạng xã hội có hàng ngàn thành viên, với mức phí từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát an ninh, an toàn thông tin và thông tin, dữ liệu của người dùng có thể bị thu thập trái phép sẽ được sử dụng cho các mục đích lừa đảo và chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức.
Một trong các nguyên nhân được các chuyên gia phân tích đó là, các loại hệ thống, thiết bị camera giám sát được người Việt Nam ưa chuộng hầu hết đều là sản phẩm có nguồn gốc từ thị trường trôi nổi, không đảm bảo quy chuẩn an toàn và chất lượng bảo mật, dễ dàng bị tấn công.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mỗi năm có rất nhiều loại camera được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, cụ thể trung bình mỗi năm thị trường được có thêm 3,2 triệu camera, hầu hết các loại camera đều đến từ Trung Quốc với tỷ lệ 96,3%, ngoài ra, nhập khẩu từ Hàn Quốc chiếm 0,6%.
Trong 5 năm qua đã có trên 16 triệu thiết bị camera giám sát được nhập khẩu vào Việt Nam. Các thương hiệu phổ biến là của Trung Quốc như HikVision, Ezviz, Dahua, iMou, KBVision, Xiaomi...
Các thiết bị camera giám sát với khả năng thu thập và lưu trữ dữ liệu cá nhân là một trong những phương tiện mà đối tượng được tin tặc nhắm tới trong các cuộc tấn công, để trở thành công cụ lừa đảo người dân. Vì vậy, cần có những quy chuẩn nhất định trong việc lựa chọn, sử dụng, cài đặt để đảm bảo tránh các rủi ro bị hack thông tin, tấn công, khai thác, xâm nhập và chiếm quyền điều khiển.
Để góp ý cho dự thảo, bạn đọc cũng có thể tham khảo nghiên cứu, đóng góp ý kiến tại đây.