Báo động tai nạn đuối nước ở trẻ em khu vực Tây Nguyên
Chỉ trong thời gian ngắn, khu vực Tây Nguyên đã có hàng chục trẻ em tử vong do đuối nước. Tình trạng này gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đuối nước ở trẻ em trong dịp nghỉ hè.
Day dứt nỗi đau đuối nước
Chỉ trong 2 ngày 18 và 19/5, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng của 4 đứa trẻ. Sự việc đau lòng xảy ra với hai em H.T.H (13 tuổi) và H.Z.H (10 tuổi), dân tộc Ê Đê, cùng trú tại buôn H’Đơk, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột khiến người thân và bà con trong buôn không khỏi xót xa. Ngày 18/5, hai em đi chăn bò phụ giúp gia đình. Thấy trời nắng nóng, hai em rủ nhau xuống hồ trữ nước để tưới cây trồng để tắm, không may trượt chân dẫn đến đuối nước. Người dân phát hiện, nhanh chóng xuống hồ tìm đưa các em lên bờ, nhưng cả hai em đều đã tử vong. Tiếp đến, chiều ngày 19/5, gia đình hai em M.T.Q (5 tuổi) và H.T.N.T (6 tuổi), cùng trú tại xã Ea Tir, huyện Ea H’leo không thấy các em về nhà nên đã tổ chức đi tìm. Quá trình tìm kiếm, người dân và lực lượng chức năng phát hiện hai nạn nhân đã tử vong tại một ao nước phục vụ sản xuất của người dân cùng xã.
Ông Đinh Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Ea Tir cho biết: "Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã liên tục tổ chức tuyên truyền đến các thôn, buôn và người dân trên địa bàn thực hiện các giải pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Song những vụ tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra. Ao nước nơi cháu Q và T gặp nạn, người dân đã rào chắn, nhưng hai cháu chui qua rào để xuống ao tắm. Hoàn cảnh gia đình của hai cháu nhỏ này đều thuộc diện khó khăn".
Tương tự, giữa tháng 5, tại thôn 8, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cũng xảy ra vụ đuối nước khiến hai cháu bé tử vong là L.T.H (sinh năm 2017) và T.T.B.T (sinh năm 2017). Trời nắng nóng, hai cháu rủ nhau đi tắm ao ở gần nhà và không may xảy ra chuyện đáng tiếc. Theo chính quyền địa phương xã Quảng Hòa, hoàn cảnh gia đình của hai cháu tử vong do đuối nước trên đều thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn của xã. Sau khi xảy ra vụ việc, ngoài việc đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình lo hậu sự, chính quyền địa phương còn kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ kinh phí nhằm chia sẻ khó khăn với gia đình các nạn nhân.
Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho trẻ em bị tai nạn, thương tích. Những năm gần đây, tình trạng trẻ bị tử vong do đuối nước đang gia tăng ở các tỉnh Tây Nguyên. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 216 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó, có 181 trẻ tử vong do tai nạn đuối nước, chiếm 83,7%. Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 27 trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước.
Tại tỉnh Đắk Nông, trong hai năm 2023, toàn tỉnh có 140 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó, có 44 em tử vong, riêng trẻ em tử vong do đuối nước là 34 em. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ trẻ em bị tai nạn thương tích làm 33 em bị thương, 23 em tử vong, trong đó, có 19 vụ tai nạn đuối nước làm 22 em tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích tăng 3 em, riêng tai nạn đuối nước số trẻ em tử vong tăng 4 em.
Nhận diện nguyên nhân
Trong thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng và các địa phương đã làm tốt công tác quản lý, công tác tuyên truyền, cảnh báo, nhưng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, tình trạng đuối nước thương tâm đối với trẻ em liên tiếp xảy ra, để lại những nỗi đau, mất mát to lớn cho gia đình và xã hội.
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng ở trẻ em, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Trần Ngọc Nhân cho rằng, trẻ em hiếu động, tò mò, nhưng lại thiếu kiến thức về đảm bảo an toàn cho bản thân, cụ thể là không biết bơi, không biết các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước. Bên cạnh đó là sự lơ là, thiếu sự giám sát, bảo vệ của phụ huynh, người chăm sóc.
Ngoài ra, các khu vui chơi, sân chơi an toàn cho trẻ em vùng sâu chưa được đầu tư nhiều, trẻ em vui chơi tự do, thiếu sự bảo vệ an toàn nên khi xảy ra tai nạn không có người ứng cứu kịp thời. Môi trường sống không an toàn, hệ thống ao, hồ, sông, suối, giếng tưới khá lớn và rải rác đều khắp, điều kiện kinh tế khó khăn, trẻ nhỏ tự chơi và phụ giúp việc gia đình cũng là nhân tố tăng thêm nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.
Đặc điểm chung là các vụ đuối nước ở trẻ tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên chủ yếu xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Các em ít được tiếp cận với dịch vụ, bể bơi công cộng, thiếu kỹ năng bơi lội, kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Việc dạy bơi, trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ là một trong những giải pháp quan trọng cần được các địa phương chú trọng nhằm giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em trong thời gian tới.