Báo động tai nạn học đường: Giải pháp nào để phụ huynh yên tâm gửi gắm con em?
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra một số giải pháp để ngăn chặn sự mất an toàn trong học đường hiện nay.
Liên tiếp tai nạn học đường
Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một số trường học trên cả nước gây hậu quả nghiêm trọng khiến nhiều học sinh tử vong hoặc trọng thương.
Cụ thể, chiều 7/9, cổng trường ở điểm trường Bản Phung (Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, Văn Bàn, Lào Cai) bất ngờ đổ sập khiến ba em học sinh tử vong tại chỗ. Trong đó, có 1 học sinh mầm non và 2 học sinh tiểu học.
Trưa 9/9, tại trường Tiểu học Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội), sau bữa ăn bán trú, có 4 em học sinh có biểu hiện đau bụng, sốt, đi ngoài phải nhập Bệnh viện Đa khoa Đông Anh khám, điều trị. Đến sáng 10/9, có thêm 58 học sinh xin nghỉ học, trong đó 48 học sinh thông báo có một số biểu hiện buồn nôn, sốt hoặc đi ngoài.
Ngày 10/9, tại Trường Tiểu học Kim Đồng, TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai) một học sinh lớp 2 cũng bị quạt trần rơi vào đầu dẫn đến bị thương nặng, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Sáng 26/9, một học sinh của trường THCS Đống Đa (phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ ngã từ tầng 2 xuống đất, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng chấn thương nặng, gãy tay.
Gần đây nhất, vào chiều 29/9, tại nút giao đường sắt trên địa bàn phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã xảy ra tại nạn giữa tàu hỏa với một xe ô tô 45 chỗ chuyên đưa đón học sinh của Trưởng Tiểu học Lý Nam Đế khiến 2 học sinh phải nhập viện.
Ngăn chặn tai nạn học đường bằng cách nào?
Trao đổi với PV Gia đình Việt Nam về vấn đề này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, môi trường học đường an toàn hiện nay đang bị đe dọa nghiêm trọng khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đau lòng và đã có nhiều trường hợp học sinh tử vong, bị thương.
"Có thể nói đây chính là một tiếng chuông cảnh báo đối với các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong nhà trường", ông Lê Như Tiến nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng cần phải có một số giải pháp cụ thể để ngăn chặn sự mất an toàn trong học đường hiện nay.
Ông Lê Như Tiến cho rằng, thứ nhất Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và các Sở GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần phải thưởng xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các trường học trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh.
Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước bên cạnh việc kiểm tra, giám sát còn phải xây dựng các quy trình, quy chuẩn, các quy định về kỹ thuật đối với các trường học an toàn, lớp học an toàn và các thiết bị trong trường phải an toàn.
"Phải xây dựng những quy trình, quy chuẩn, quy định cụ thể đó thì các trường học mới có cơ sở thực hiện", ông Lê Như Tiến nói.
Thứ ba, nhà trường và thầy cô giáo nên có hướng dẫn cho các học sinh những kỹ năng sống để tự bảo vệ an toàn cho bản thân như phòng chống đuối nước, phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng nhận biết các mối nguy hiểm...
"Bản thân các em học sinh là đối tượng dễ bị tổn thương, khả năng tự bảo vệ kém đối với những mối nguy hiểm nên mỗi trường cũng có thể thành lập những đội xung kích do đoàn viên thanh niên đứng ra để thường xuyên nhắc nhở, bảo vệ các em học sinh trước các mối nguy hiểm đó", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.