Báo động tàu thuyền mắc cạn trên các tuyến sông miền Bắc
Hơn một tháng gần đây, phương tiện vận tải thủy di chuyển trên các tuyến sông Lô, sông Hồng liên tục bị tắc do luồng chạy tàu bị cạn.
Liên tiếp tàu mắc cạn, hàng hóa ứ đọng
Hơn 8h sáng 16/12, luồng chạy tàu trên sông Lô qua xã Tiên Du (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) mà thuyền viên quen gọi là “luồng vở đất” có khoảng 20 tàu chở cát sỏi, dăm gỗ neo đậu san sát. Vài phương tiện quay ngang giữa dòng, liên tục nhấn ga, xả khói đen xì để giãy khỏi bãi cạn.
Thuyền viên tên Bình, tàu PT-4012 cho biết, đoạn sông này đang bị mất luồng tàu do nước xuống thấp, tàu không thể qua nổi. Một chiếc tàu do cố giãy để thoát cạn bị gãy bánh lái, may có phương tiện khác kéo lên không thì bị đắm. “Đoạn luồng này ít khi bị cạn, nhưng dạo này cạn liên tục, có những đợt phải chờ 3 - 4 ngày mới có luồng. Mùa nước bình thường tàu có mớn nước hơn 3m vẫn qua được, còn bây giờ chỉ tàu có mớn nước dưới 2m đi mới không bị cạn”, anh Bình cho biết.
“Đoạn này không chỉ tắc lúc “mất luồng”, nhiều thời điểm nước to, nhưng các tàu tranh nhau đi trước, di chuyển như chim vỡ tổ nên cũng tắc. Không có ai điều tiết giao thông nên có khi chỉ vì tàu đi song song 2 - 3 chiếc đè nhau cũng dẫn đến mắc cạn, tắc luồng”, thuyền viên tên Thịnh cho biết thêm.
Theo các thuyền viên, tàu thuyền chở hàng liên tục bị mắc cạn tại đây, tàu nào chớm vào bãi cạn mà giãy ngay mới thoát ra được, còn không phải chuyển hàng hóa sang tải cho phương tiện nhỏ hơn hoặc thuê phương tiện trục cạn giải cứu.
Ngược lên phía thượng lưu khoảng hơn chục km, một đoạn sông Lô dài qua khu vực Bãi Bằng cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông thủy do luồng bị cạn. Còn ở phía hạ lưu, đến nay có không dưới 10 tàu bị mắc cạn, đắm tại đoạn luồng cạn tại đoạn bến phà Đức Bác (TP Việt Trì, Phú Thọ).
Một số chủ cảng, bến thủy ở sông Lô cho biết, khoảng hơn một tháng gần đây, do nước cạn, tàu chở hàng có mớn nước trên 2m phải nằm một chỗ, loại nhỏ hơn vẫn dùng được nhưng phải chở nhẹ hơn so với tải trọng thiết kế để tránh bị mắc cạn. “Tàu to không đi được nên cả hàng dăm gỗ, bột đá, cát sỏi dạo này bị ùn tại các cảng, bến phía thượng lưu. Năm nào cũng xảy ra tình trạng này, nếu không đầu tư nạo vét, phá đá khơi thông các đoạn cạn “nút cổ chai” thì toàn tuyến vẫn bị ảnh hưởng”, đại diện cảng thủy Hào Hưng cho biết.
Thiếu phương án nạo vét, khơi thông
Ông Trần Văn Khơi, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1 xác nhận, thời gian gần đây trên tuyến sông Lô, sông Hồng đoạn từ cầu Văn Lang lên thượng lưu liên tiếp xảy ra các trường hợp phương tiện bị mắc cạn do xuất hiện các bãi cạn, luồng cạn, trong đó có các điểm mới nguy hiểm như bến phà Đức Bác, thượng lưu cầu Hạc Trì (sông Lô), khu vực cầu Văn Lang (sông Hồng). Đơn vị này đã phải trang bị camera để quan sát, hỗ trợ điều tiết giao thông tại một số điểm, cũng như cắt cử người thường trực song kinh phí không đủ để bố trí tại tất cả các đoạn cạn hiện nay.
“Thượng lưu cụm cầu Hạc Trì - Việt Trì, cảng Hải Linh là điểm có thủy văn phức tạp trong mùa lũ, mùa cạn thường xuyên có tàu mắc cạn, nhưng chỉ mùa lũ mới có lực lượng điều tiết giao thông, còn chưa có phương án cho mùa cạn”, ông Khơi nói và cho biết thêm đây là tuyến cung cấp 70 - 80% nguồn hàng vật liệu xây dựng cho các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Ông Nguyễn Văn Bán, Phó trưởng phụ trách Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết, mùa khô mực nước xuống thấp nên độ sâu luồng chạy tàu trên một số tuyến sông trọng điểm phía Bắc giảm và luồng bị thay đổi do ảnh hưởng của xả nước thủy điện để phục vụ nông nghiệp. Vì vậy, Chi cục yêu cầu các đơn vị quản lý bảo trì đường thủy tăng cường bám luồng tuyến, điều chuyển phao dẫn luồng kịp thời theo diễn biến của luồng.
Ngoài tuyến sông Lô, hiện một số vị trí khác trên đường thủy phía Bắc đang có diễn biến cạn phức tạp, gây khó khăn cho vận tải thủy như: Ngã ba sông Hồng - sông Đào, đoạn Cao Đại, Bác Cổ (sông Hồng), cầu Đuống (sông Đuống)… Trong đó, một số đoạn đã được bố trí thêm phao dẫn luồng hoặc lực lượng thường trực điều tiết giao thông. “Có những đoạn luồng cạn xuất hiện đều đặn vào mùa cạn, dịp cuối năm, nhưng không được bố trí ngân sách để nạo vét, khơi thông. Hiện, cơ quan chức năng cũng chưa có chủ trương kêu gọi đầu tư xã hội hóa để thực hiện nên khó giải quyết được”, ông Bán nói.
Theo đại diện Cục Đường thủy nội địa VN, mới đây Cục đã yêu cầu các đơn vị quản lý đường thủy, sở GTVT địa phương rà soát, báo cáo và đề xuất các đoạn luồng đường thủy cần được nạo vét, khơi thông. “Thông tư hướng dẫn về đầu tư xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy có hiệu lực từ tháng 11/2019. Sắp tới, Cục sẽ đề xuất Bộ GTVT công bố danh mục các dự án để kêu gọi xã hội hóa đầu tư, nhằm góp phần cải thiện hạ tầng, tạo thông thoáng đường thủy”, đại diện đơn vị cho biết.
Nguy cơ tàu thuyền đâm va vào cầu vượt sông
Theo Cục CSGT, nhiều năm qua, từ tháng 10 đến trước tháng 4 năm sau, luồng sông Hồng đoạn Km258 - Km260 (cầu Văn Lang, Phú Thọ) trở nên nguy hiểm cho tàu thuyền do nước xuống thấp, luồng hẹp và nổi lên một ghềnh đá ngầm. Khi xảy ra tai nạn đường thủy có khả năng kéo theo đâm va vào công trình cầu Văn Lang.
Tương tự, đoạn Km2 và Km 2+270 sông Lô (giữa cầu Hạc Trì và cầu Việt Trì, Phú Thọ) còn tồn tại một mố trụ cầu cũ, khiến một số tàu thuyền bị mắc cạn và tiềm ẩn nguy cơ tàu đâm va vào các công trình cầu trên. Mùa cạn, đoạn Km 2+700 (cảng Hải Linh) xuất hiện bãi đất phong hóa trong luồng chạy tàu, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT.
Vì vậy, Cục CSGT đã đề nghị Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức điều tiết giao thông, bố trí báo hiệu đường thủy phù hợp và thanh thải các chướng ngại vật để phòng ngừa TNGT đường thủy.