Báo động thương vong do chủ quan vượt đập tràn mùa lũ
Đập tràn là những công trình thông dụng tại các tỉnh miền núi, song cũng là địa hình tiềm ẩn nhiều rủi ro, mà ngay cả những người lái xe...
Đập tràn là một địa hình tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Ngay cả những người lái xe có kinh nghiệm cũng có thể mất cảnh giác, tự rước họa cho bản thân và những người khác...
Liên tiếp trường hợp tử vong khi cố vượt đập tràn
Tính tới ngày 19/8, đợt mưa lớn tại miền Bắc trong những ngày qua đã khiến 6 người chết, 334 nhà bị hư hỏng, 556ha lúa, hoa màu bị thiệt hại…
Trong số người tử vong, thương tâm nhất là trường hợp xe ô tô bán tải đi qua đập tràn, đoạn Cống Thó (giáp ranh giữa xã Ngọc Thanh và phường Đồng Xuân, TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) đêm 17/8 đúng thời điểm nước lũ chảy mạnh khiến xe bị lật. Lái xe Q. (SN 1985) được người dân đập cửa cứu thoát, còn vợ và con gái 2 tuổi bị nước lũ cuốn trôi.
Đáng nói, trường hợp người dân tử vong do đi qua đập tràn liên tiếp xảy ra. Trước đó, đêm 3/8, hai người đàn ông đi xe máy qua đập tràn thuộc khu vực xã Tú Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) cũng bị nước lũ cuốn trôi khiến 1 người tử vong.
Còn tại Hà Giang ngày 21/7, anh Nông Văn Chiến (27 tuổi) khi lái ôtô tải qua đập tràn xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê thì bị trượt xuống suối, tài xế kẹt trên cabin. “Mặt đập tràn có độ dốc cao, khi xe bị trôi xuống nước tài xế không kịp thoát ra. Chúng tôi đã huy động hai máy múc và mất gần hai giờ để đưa xe tải lên trên bờ, nhưng tài xế đã tử vong”, bà Củng Thị Mẩy, Chủ tịch huyện Bắc Mê cho biết.
Trước đó, hầu như năm nào cũng có trường hợp người dân tử vong do cố tình vượt đập tràn trong mùa mưa lũ. Điển hình vụ việc xảy ra vào tháng 11/2019, tại đập tràn Păng Tiêng (Lâm Đồng), mặc dù nước dâng cao gần 1m nhưng nạn nhân nam 40 tuổi vẫn cố vượt và bị lũ cuốn xuống lòng hồ thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo. Hay năm 2017, nước lũ dâng cao, nhưng chị Nguyễn Thị Sâm (43 tuổi, trú tại Lộc Yên, Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn cố chở hai con vượt qua đập tràn Hương Yên (Hà Tĩnh) khiến cả ba mẹ con bị nước cuốn trôi.
Đập tràn là những công trình thông dụng tại các tỉnh miền núi, song cũng là địa hình tiềm ẩn nhiều rủi ro, mà ngay cả những người lái xe lâu năm cũng có thể mất cảnh giác khi đi qua. Thực tế, bề mặt đập tràn, ngay cả vào mùa cạn cũng dễ dàng trở thành nơi ẩn chứa nguy hiểm khi có cát, sỏi, đá dăm… giảm diện tích tiếp xúc giữa lốp và đường, gây giảm ma sát.
Bên cạnh đó, vào mùa nước, bề mặt đập tràn thường xuyên bị bao phủ bởi bùn đất hay ngập nước, khiến cho ma sát giữa lốp xe và mặt đường giảm đi đáng kể. Ngoài ra, lực đẩy của dòng nước cũng là một yếu tố mà lái xe không thể chủ động chống lại.
Cắt cử người canh gác tại ngầm tràn, xử lý nghiêm vi phạm
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 4, chiều 20/8, miền Bắc sẽ bước vào đợt mưa lũ mới, trọng tâm là đêm 20 đến sáng 21/8. Tới ngày 26/8 sẽ có đợt mưa trở lại, lũ xuất hiện tại thượng lưu sông Hồng, sông Lô và sông Cầu…
Trước tình hình trên, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị: Các địa phương miền núi phía Bắc cần khắc phục hậu quả mưa lũ để ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, khẩn trương triển khai các biện pháp đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn; Tổ chức thường trực đến thôn 24/24h để theo dõi, cảnh báo, xử lý các tình huống có thể xảy ra; Cử người canh gác, cắm biển cảnh báo hoặc rào chắn các ngầm tràn để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại; Theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông để đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa…
“Để phòng, tránh những rủi ro khi đi qua đập tràn vào mùa mưa lũ, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, kiên quyết không cho người dân cố ý vượt ngầm tràn khi nước lũ dâng cao, chảy xiết, tránh những thiệt hại thương tâm về người. Tại các khu vực gần sông suối, cần có hệ thống biển báo, cảnh báo cầu chắn ngăn chặn. Các xã, thôn bản có đường tràn cần tổ chức giám sát theo dõi, túc trực thường xuyên, xử lý các sự cố trong phạm vi, khả năng. Mỗi người dân cần tránh tâm lý chủ quan, không cố tình vượt sông suối khi đã có sự cảnh báo nguy hiểm từ các cơ quan chức năng”, ông Hoài nhấn mạnh.
Người dân tuyệt đối không được chủ quan, phải lội dò độ nông, sâu của dòng nước cẩn thận, nếu ngầm tràn có cọc tiêu thì quan sát cột báo độ sâu của nước ở 2 bên ngầm để quyết định có đi qua hay không. Ngay cả với người điều khiển các loại xe ô tô, phải chú ý kiểm tra mực nước suối, ngầm so với thân xe, tốt nhất không nên vượt nếu nước cao hơn gầm xe, bởi dòng nước có thể dâng bất chợt và xô đẩy sẽ trôi ôtô.
Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/bao-dong-thuong-vong-do-chu-quan-vuot-dap-tran-mua-lu-d476714.html