Báo động tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nhiều nước châu Á
Dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Á khi các nước tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Selangor, Malaysia.
Bộ Y tế Ấn Độ ngày 15/8 cho biết nước này đã ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 là 36.083 trường hợp trong vòng 24 giờ qua, trong khi có thêm 493 trường hợp tử vong mới. Như vậy, số ca nhiễm mới đã giảm 2.337 trường hợp nhiễm COVID-19 trong thời gian 24 giờ qua. Tỷ lệ bệnh nhân mắc mới của Ấn Độ hằng ngày được ghi nhận là 1,88%, giảm 3% trong 20 ngày qua. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ dương tính hằng tuần được ghi nhận ở mức 2%.
Trong khi đó, Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức trên 20.000 ca trong ngày thứ 2 liên tiếp vào ngày 14/8, gây áp lực lên chính phủ về việc gia hạn tình trạng khẩn cấp vốn đang được áp dụng ở Tokyo, Osaka và một số tỉnh khác. Trong khi đó, số bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng trên cả nước đã tăng lên mức cao mới với 1.521 ca tính đến ngày 13/8. Trước bối cảnh dịch bệnh lây lan mạnh và không có dấu hiệu chậm lại, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp với các bộ trưởng liên quan vào tuần tới về việc có gia hạn tình trạng khẩn cấp tại Tokyo, Chiba, Kanagawa, Saitama, Osaka và Okinawa, hay không.
Cùng ngày, Hàn Quốc ghi nhận 1.930 ca nhiễm mới, trong đó 1.860 ca cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 222.111 ca. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) Hàn Quốc, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 4 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 2.148 người. Bất chấp những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt, số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng lên ở mức 4 con số trong suốt gần 40 ngày qua. Nhà chức trách Hàn Quốc ngày càng lo ngại về tốc độ lây nhiễm hiện nay có thể gây ra một đợt bùng phát dịch bệnh lớn khi mà người dân dường như di chuyển nhiều hơn vào dịp nghỉ lễ cuối tuần này.
Ngày 13/8, Thủ tướng Kim Boo-kyum đã kêu gọi người dân hạn chế tối đa việc di chuyển và ở nhà cùng gia đình vào dịp cuối tuần này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ông cũng cảnh báo sẽ phạt nặng đối với bất kỳ hành động nào vi phạm quy định giãn cách xã hội.
Tại khu vực Đông Nam Á, ngày 15/8, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 198 ca mắc mới COVID-19. Như vậy, số ca mắc COVID-19 tại Lào đã vượt 10.000 ca. Trong số các ca mắc mới có 186 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 12 ca cộng đồng. Thủ đô Vientiane ghi nhận 1 ca cộng đồng là người Việt Nam có liên quan đến các ca bệnh trước đó; các ca cộng đồng còn lại là tại tỉnh Savannakhet. Trung tâm Xét nghiệm COVID-19, Bộ Y tế Lào, cho biết thời gian gần đây đã ghi nhận một số trường hợp người Việt có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 khi làm xét nghiệm tại thủ đô Viêng Chăn để làm thủ tục xuất cảnh về nước. Điểm chung của những người này là đều có quá trình di chuyển qua vùng dịch tỉnh Bokeo.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát và ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, coi đó là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phòng, chống dịch tiếp theo của Lào. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 10.092 ca, trong đó có 9 người tử vong.
Trước đó, Malaysia ngày 14/8 cũng ghi nhận 20.670 ca nhiễm mới, trong đó 20.662 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh lên 1.384.353 ca. Theo Bộ Y tế Malaysia, trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 260 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 12.228 người.
Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận 22.086 ca nhiễm và 217 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt là 885.275 ca và 7.343 ca. Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thái Lan nhận định hệ thống y tế của nước này sẽ tiếp tục chứng kiến số ca bệnh nặng gia tăng trong những tuần tới và số ca tử vong tiếp tục tăng lên. Hiện giới chức y tế Thái Lan đang dự định sẽ đưa ra quyết định về việc có gia hạn hay không lệnh phong tỏa đang áp dụng hiện nay khi mà số ca nhiễm mới trung bình theo ngày lên tới 20.000 ca trong 7 ngày qua và chưa có dấu hiệu giảm xuống.
Hồi đầu tháng 8, Thái Lan đã thông báo mở rộng các biện pháp hạn chế, trong đó có hạn chế đi lại, đóng cửa các trung tâm mua sắm và lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 13 khu vực lên 29 khu vực trong vòng ít nhất 2 tuần.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Á nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, các nước đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất, tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia y tế, ngay cả khi có vaccine hiệu quả, virus corona và các biến thể mới sẽ tiếp tục khiến chúng ta phải hứng chịu những đợt bùng phát dịch bệnh tiếp theo.
Cuối cùng, việc trở lại cuộc sống bình thường sẽ đòi hỏi một chiến lược đa tầng và phải được triển khai đồng bộ 4 vòng phòng thủ gồm vaccine, thuốc dự phòng, các biện pháp y tế công cộng và hợp tác toàn cầu sâu rộng. Theo đó, việc tiêm vaccine cung cấp vòng bảo vệ đầu tiên chống lại COVID-19.
Vòng bảo vệ tiếp theo sẽ đến từ các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn sự lây lan của virus. Những chiến lược này là phương pháp bảo vệ quan trọng khi đối mặt với hầu hết mọi bệnh truyền nhiễm trong lịch sử gần đây. Tuy nhiên, ở Mỹ và một số quốc gia khác trên thế giới, việc kiểm tra và truy vết lại bị đình trệ (hoặc không bao giờ được thực hiện ngay từ đầu). May mắn thay, các loại thuốc dự phòng kháng virus mới có thể giúp bù đắp phần nào những thiếu sót này. Thay vì áp dụng chiến lược “kiểm tra, truy vết và cách ly”, câu thần chú có thể trở thành “kiểm tra, truy vết và uống thuốc”. Đó là một sự thay thế hấp dẫn hơn nhiều. Những loại thuốc này cũng có thể giúp mở ra cơ hội mới cho du lịch, loại bỏ sự cần thiết phải cách ly dài ngày.
Ba vòng bảo vệ đầu tiên này sẽ tạo thành một lớp bảo vệ tuyệt vời. Nhưng sẽ là không đủ nếu chúng không được triển khai ở mọi nơi. Để cung cấp vòng bảo vệ cuối cùng, cộng đồng quốc tế cần hợp tác với nhau để cải thiện việc giám sát dịch bệnh và cung cấp khả năng tiếp cận toàn cầu đối với hoạt động xét nghiệm, công tác điều trị và tiêm chủng vaccine. Ở đây, quyền truy cập chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT) và trụ cột của chương trình này là cơ chế tiếp cận toàn cầu đối với vaccine COVID-19 (COVAX) là một bước đi quan trọng đầu tiên.
Bên cạnh những nỗ lực này, cộng đồng quốc tế cần đầu tư vào công tác giám sát dịch bệnh toàn cầu để phát hiện các đợt bùng phát mới, đặc biệt là các đợt bùng phát do các biến thể có khả năng lây nhiễm cao gây ra vốn có thể nhanh chóng lây lan và phát triển mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi phải tăng cường giám sát, nắm được giải trình tự gia tăng của virus trên tất cả cộng đồng và một cách thức chia sẻ dữ liệu thời gian thực trên quy mô lớn.
Với các cơ chế phù hợp ở tuyến đầu chống dịch như trên, một cộng đồng toàn cầu gồm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà sản xuất dược phẩm sẽ phải xác định cách thức các loại vaccine và các phương pháp điều trị có khả năng chống lại từng loại biến thể mới và cách thức để giảm thiểu nguy cơ lây lan và tái bùng phát của chúng.
Sau khoảng thời gian xảy ra đại dịch, chúng ta đã có những gì chúng ta cần để chấm dứt dịch bệnh này. Việc cùng triển khai bốn vòng phòng thủ gồm vaccine, thuốc kháng virus, các biện pháp y tế công cộng và hợp tác toàn cầu, mới có thể giúp chúng ta loại bỏ đại dịch COVID-19 đe dọa đến tính mạng con người để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn.