Báo động tình trạng biển xâm thực ở Thanh Hóa

Tình trạng biển xâm thực đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở một số xã trên địa bàn huyện Hoằng Hóa khiến hàng trăm hộ dân lo lắng.

Nhiều điểm ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa sạt lở rất nặng.

Nhiều điểm ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa sạt lở rất nặng.

Hàng trăm hộ dân bất an

Do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn với tần suất cao cùng với hoàn lưu bão số 2, từ tháng 7/2024, khu vực bờ biển các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ xuất hiện nhiều điểm sạt lở nặng.

Những bờ kè bị sóng biển bẻ gãy từng mảng, dọc bờ biển, lớp gạch xây chắn đã bị đánh sập, những gốc cây phi lao hàng chục năm tuổi chỉ còn trơ lại bộ rễ.

 Người dân lo lắng khi mỗi ngày bờ biển bị xâm thực càng nghiêm trọng.

Người dân lo lắng khi mỗi ngày bờ biển bị xâm thực càng nghiêm trọng.

Đang chằng buộc chiếc mảng đánh bắt thủy sản gần bờ, ông Trương Văn Vện (79 tuổi ở thôn Đông Xuân Vi, xã Hoằng Thanh) cho hay, hiện tượng xâm thực, sạt lở diễn ra từ nhiều năm nhưng cao điểm nhất là từ tháng 7, tháng 8.

Chỉ vào những gốc cây phi lao bị sóng đánh bật gốc, ông Vện lo lắng khi mùa mưa bão đang đến. Nếu chính quyền không có giải pháp kịp thời, bờ biển còn có thể bị sạt lở nặng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của biết bao người dân.

 Những gốc phi lao bị đánh bật gốc.

Những gốc phi lao bị đánh bật gốc.

Cùng chung tâm trạng lo lắng với ông Vện, ông Trương Đình Cử (57 tuổi, ngư dân thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường) chia sẻ: “Mỗi khi mùa mưa bão cận kề, chúng tôi rất lo lắng. Biển ngày một tiến sâu vào đất liền gây sạt lở nghiêm trọng, chẳng mấy chốc sẽ tiến sâu vào làng. Người dân địa phương mong muốn sớm có biện pháp khắc phục để chúng tôi yên tâm sinh sống”.

Theo quan sát, dọc một số đoạn kè đê biển bị sóng đánh sập mái, vị trí xâm thực lấn sâu vào đất liền tới 15 - 20m, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn các công trình hạ tầng ven biển.

Khu vực bờ biển tiếp giáp cửa sông Mã thuộc thôn Tân Xuân (xã Hoằng Phụ) cũng xảy ra hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển với chiều dài hơn 1,7 km, điểm xâm thực vào bờ sâu nhất khoảng 100m.

 Những bờ kè bằng bê tông cũng tan tành.

Những bờ kè bằng bê tông cũng tan tành.

Báo cáo của UBND huyện Hoằng Hóa, hiện tượng sạt lở nêu trên đang diễn biến rất nhanh và nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến 205 hộ với 630 khẩu thuộc các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ.

Để đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch, UBND huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo UBND các xã Hoằng Trường, Hoằng Phụ theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm thực, sạt lở cũng như cắm biển cảnh báo, mở sổ theo dõi tình trạng xâm thực và xử lý tình huống theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu tình trạng xói lở, xâm thực nêu trên.

Đồng thời, UBND huyện Hoằng Hóa cũng đang xây dựng bổ sung các địa điểm trên vào phương án trọng điểm phòng chống thiên tai năm 2024.

Đặc biệt địa phương sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân, cơ quan bị ảnh hưởng khi có tình huống xảy ra và thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp như sử dụng rọ thép, đá hộc... gia cố hộ chân khu vực sạt lở để hạn chế sự phát triển của sạt lở, xâm thực.

Yêu cầu công bố tình trạng khẩn cấp

Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa, thời điểm này đang là thời kỳ cao điểm của mùa mưa, lũ, bão năm 2024, với mức độ xâm thực, sạt lở bờ biển ngày càng sâu vào bờ, tiềm ẩn nguy cơ rất cao đến an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, nhà nước.

 Mức độ xâm thực, sạt lở ngày càng sâu.

Mức độ xâm thực, sạt lở ngày càng sâu.

Vì vậy, việc tỉnh Thanh Hóa sớm công bố tình huống khẩn cấp xâm thực, sạt lở bờ biển các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) là cơ sở để các sở, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, du khách và tài sản của các tổ chức, cá nhân trong khu vực có nguy cơ sạt lở.

Trước tình trạng biển xâm thực mạnh gây sạt lở, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn UBND huyện Hoằng Hóa thực hiện các biện pháp tạm thời nhằm làm giảm thiệt hại do xâm thực.

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai; sử dụng nguồn vốn ngân sách dự phòng của tỉnh để hỗ trợ huyện Hoằng Hóa xây dựng kè biển nhằm ngăn chặn biển xâm thực gây thiệt hại tài sản của người dân và đất đai.

Nguyễn Thùy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bao-dong-tinh-trang-bien-xam-thuc-o-thanh-hoa-post697771.html