Báo động tình trạng hao hụt kiến thức toàn cầu

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc đóng cửa trường học để bảo vệ sức khỏe trẻ em được nhiều quốc gia áp dụng. Tuy nhiên, sự gián đoạn học tập kéo dài, khiến cho hệ quả của nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Một báo cáo chung toàn cầu do UNESCO, UNICEF và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây cho thấy, học sinh ở hầu hết các quốc gia đều tụt hậu trong học tập, đặc biệt là trẻ em sống trong các gia đình nghèo ở các vùng nông thôn, trẻ em khuyết tật và trẻ em nhỏ tuổi.

Khi đưa ra báo cáo này, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Giáo dục Stefania Giannini, Giám đốc Giáo dục của UNICEF Robert Jenkins và Giám đốc Toàn cầu về Giáo dục của WB Jaime Saavedra đã cùng đưa ra một tuyên bố kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh nỗ lực đưa mọi trẻ em đến trường và khẩn trương thực hiện các chiến lược khôi phục học tập để giúp trẻ em bù đắp những tổn thất trong học tập có thể gây hậu quả suốt đời về sức khỏe và hạnh phúc, học tập và việc làm trong tương lai của trẻ em.

Hệ quả của việc đóng cửa trường học kéo dài

Khảo sát cho thấy, trước đại dịch, 57% trẻ em ở độ tuổi 10 ở các nước thu nhập thấp và trung bình không thể đọc một câu chuyện đơn giản, và hiện nay con số đó có thể đã tăng lên 70%. Đây là có thể được xem như một thảm họa toàn cầu về hao hụt kiến thức ở trẻ em. Sáu tháng sau đại dịch, với việc không được tiếp cận với chương trình học từ xa, ít nhất 1/3 số học sinh trên toàn cầu đã bị dừng hoàn toàn việc học, và khoảng 24 triệu trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ bỏ học hoàn toàn.

Tại Thái Lan, việc đóng cửa trường học kéo dài đã ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất thiếu khả năng tiếp cận học tập trực tuyến. Theo một cuộc khảo sát của Văn phòng Thống kê Quốc gia vào năm 2020, gần một nửa số gia đình ở Thái Lan chưa sẵn sàng cho việc học trực tuyến; 51% không có quyền truy cập vào các thiết bị để học trực tuyến; 26% không truy cập Internet để học trực tuyến; và 40% cha mẹ và người chăm sóc cho biết họ không có thời gian để giám sát việc học trực tuyến của con mình. Bất chấp những nỗ lực trong việc cải thiện khả năng truy cập internet nhanh hơn, tích hợp nhiều công nghệ hơn và giảm sĩ số lớp học trong trường học, Văn phòng Hội đồng Giáo dục đã báo cáo vào tháng trước rằng đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giảng dạy nói chung và số lượng trẻ em vắng mặt ở cả lớp học trực tuyến và ngoại tuyến.

Ấn Độ là quốc gia có lượng học sinh chiếm 1/5 trên toàn cầu đã phải đối mặt với tình trạng đóng cửa trường học lâu một cách bất thường, có những trường đã đóng cửa từ tháng 3.2020 đến tháng 2.2022. Trong khoảng thời gian đó, việc nhiều hộ gia đình không có thiết bị thông minh phục vụ cho việc học từ xa, khiến cho tỷ lệ trẻ em bỏ học và đi làm sớm phụ giúp gia đình tăng lên nhanh chóng.

Mexico cũng là một trong những quốc gia thực hiện lệnh đóng cửa trường học dài nhất thế giới, kéo dài hơn 50 tuần. Mặc dù hiện nay, các trường học tại quốc gia này đã mở cửa nhưng vẫn rất nhiều trẻ em không tới trường. Ở Colegio Laureles - một trường học ở Chiapas, bang nghèo nhất của Mexico, các giáo viên đang cố gắng đồng thời dạy trẻ trong lớp học và học từ xa. Mười tháng sau khi các lớp học bắt đầu mở cửa trở lại, chỉ một nửa số học sinh của trường quay trở lại, một phần lý do nhiều phụ huynh vẫn quá lo lắng về việc lây nhiễm nên cho con cái của họ học trực tuyến thay vì đến trường.

Các chuyên gia cho biết, việc học từ xa chỉ phù hợp khi trẻ em không thể đến trường vì yếu tố bệnh dịch hay thời tiết. Khi trường học đã mở cửa, trẻ em cần phải được đến trường để có thể hưởng được một môi trường tốt nhất, có sân chơi tạo điều kiện để các em có thể vận động thay vì chỉ ngồi một chỗ. Học từ xa cũng sẽ giảm khả năng tiếp thu cũng như mức độ tập trung của trẻ em, điển hình như tại Anh, điểm kiểm tra vào đầu năm học 2021 - 2022 cho thấy, trẻ em tiểu học chậm hơn gần hai tháng so với mức cần thiết đối với môn toán và một tháng đối với môn đọc. Nghiên cứu tương tự ở Mỹ cho thấy trẻ em chậm hơn trung bình 8 - 19 tuần. Ở một số quốc gia, kết quả khảo sát đáng lo ngại hơn. Ở Nam Phi, học sinh tiểu học được kiểm tra sau 22 tuần khi đóng cửa trường học, cho thấy các em chỉ học được khoảng ¼ so với những gì đáng lẽ phải học được.

Nguồn: UNICEF

Nguồn: UNICEF

Cần xây dựng chương trình khôi phục phù hợp

Công ty McKinsey đã thực hiện một nghiên cứu về tình trạng hao hụt kiến thức trên toàn cầu, họ dựa trên nhiều yếu tố như: học sinh thường học được bao nhiêu ở mỗi quốc gia trước khi trường học đóng cửa; đóng cửa các lớp học trong bao lâu; và những nỗ lực của các nước trong việc đào tạo từ xa có thể đã đạt được hiệu quả như thế nào. Kết quả cho thấy rằng, học sinh toàn cầu có thể đi học chậm hơn 8 tháng so với bình thường. Thiệt hại có thể rất lớn ở nhiều quốc gia có thu nhập trung bình, chiếm khoảng 75% tổng số trẻ em trong độ tuổi đi học, các quốc gia này thường đóng cửa trường học lâu hơn các quốc gia giàu có, và có thể làm công việc giảng dạy từ xa kém hơn, và độ trễ đi học ở trẻ có thể lên tới từ 9 - 15 tháng. Trên khắp thế giới, tỷ lệ trẻ em kém môn toán cao hơn môn đọc, và đặc biệt những trẻ em ở các quốc gia nghèo hay ở các hộ gia đình nghèo tình trạng này càng tồi tệ hơn vì sự gián đoạn học tập. Một nghiên cứu cho thấy, nửa năm học 2020 - 2021, những đứa trẻ đăng ký học tại các cơ sở có nhiều học sinh nghèo bị mất sức học gần gấp đôi trong thời gian đó so với những trẻ học ở các trường có trẻ em khá giả hơn.

Để giảm thiểu tác hại của việc đóng cửa trường học, các quốc gia sẽ phải mở cửa trở lại tất cả các trường học để giúp trẻ em có thể bắt kịp với tiến trình học tập, nếu trẻ em không nhận được sự hỗ trợ thích hợp khi trở lại trường học vẫn có thể bị tụt lại phía sau. Trước đại dịch, nhiều giáo viên đã phải vật lộn với những chương trình giảng dạy dày đặc với những thứ không cần thiết. Nhiệm vụ của họ trở nên khó khăn hơn vì đại dịch Covid-19 đã khiến cho khoảng cách giữa những học sinh có thành tích tốt nhất và kém nhất trong mỗi lớp ngày càng xa. Điều này khiến cho các em vốn dĩ cảm thấy tự ti vì thành tích của mình dẫn đến tâm lý bỏ học.

Theo một cuộc khảo sát của UNICEF, ¾ quốc gia đã suy nghĩ về việc cải thiện chương trình học giúp các em bắt kịp tiến độ một cách dễ dàng hơn. Gần 70% trong số đó đã cắt giảm chương trình giảng dạy. UNICEF Thái Lan đang làm việc với các đối tác bao gồm Bộ Giáo dục và Quỹ Giáo dục Bình đẳng để bảo đảm việc mở trường an toàn và giúp trẻ em bắt kịp bài học. Trong khuôn khổ dự án thí điểm đang được thực hiện tại 40 trường học ở tỉnh Samut Sakorn, UNICEF đang hỗ trợ các đối tác đánh giá mức độ mất khả năng học tập của trẻ em trong khi tổ chức đào tạo giáo viên và cung cấp cho họ tài liệu và nguồn lực để giáo viên có thể giúp từng trẻ em có các bài học bắt kịp phù hợp đồng thời tạo điều kiện phục hồi giáo dục tổng thể. Học tập từ dự án này sẽ được sử dụng để lập kế hoạch cho nỗ lực trên toàn quốc nhằm giải quyết tình trạng mất cơ hội học tập.

Trong khi đó, các nỗ lực của Indonesia và Nam Phi dành nhiều thời gian hơn trong ngày học cho các môn đọc và toán. Các nước giàu hơn thường đầu tư vào dạy kèm để giúp đỡ những học sinh đang gặp khó khăn. Ở Bangladesh, một cuộc thử nghiệm cung cấp dịch vụ dạy kèm qua điện thoại trong thời gian trường đóng cửa cho thấy khả năng đọc viết của học sinh được cải thiện nhanh hơn khoảng 50%. Một chương trình tương tự ở Nepal đã thúc đẩy việc học toán lên 30%. Kết quả từ thí điểm đó cho thấy, việc này có thể nâng cao thành tích của một đứa trẻ bằng một khoản tiền thường được hỗ trợ cả năm học, với chi phí khoảng 100 đô la.

Ở Botswana, Ấn Độ và Zambia, một loại hình giảng dạy đúng trình độ khuyến khích giáo viên sử dụng các bài kiểm tra miệng ngắn gọn để phân loại học sinh theo mức độ hiểu biết của học sinh, thay vì theo độ tuổi. Các nhóm này gặp nhau hàng ngày để học các bài học ngắn về toán và đọc. Trước khi các lớp học tương tự xảy ra đại dịch ở Uttar Pradesh, bang lớn nhất của Ấn Độ, đã nâng tỷ lệ học sinh có thể đọc một đoạn văn từ 15% lên 48% chỉ sau 50 ngày.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/bao-dong-tinh-trang-hao-hut-kien-thuc-toan-cau-i298411/