Báo động tình trạng học sinh đuối nước đầu hè
Hiện nay, nắng nóng kéo dài ở nhiều khu vực, nhiều nhóm học sinh rủ nhau đi tắm biển, sông, suối, ao, hồ để giải nhiệt đã dẫn đến không ít cái chết thương tâm. Chỉ mới đầu hè, tại một số tỉnh, thành trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ học sinh tử vong do đuối nước. Đã đến lúc gia đình và nhà trường cần quyết liệt trong việc cấm các em tự ý đi tắm, bơi ở những nơi nguy hiểm mà thiếu sự trông coi, giám sát của người lớn.
Những vụ tai nạn đau lòng
Đại diện UBND xã Thượng Thôn (H.Hà Quảng, Cao Bằng) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ đuối nước thương tâm. Thông tin ban đầu, chiều 21-4, có 4 học sinh của Trường THCS Thượng Thôn rủ nhau đi tắm ở suối Bản Bó (xã Ngọc Đào). Trong lúc thả mình dưới dòng nước mát lạnh thì 3 em Lầu Thị D., Lý Thị P. và Sầm Thị L. bị đuối nước, tử vong. Nhận tin báo, lực lượng chức năng đã đến lặn mò vớt thi thể các em lên. Đến tối cùng ngày, cả ba nạn nhân được đưa về để gia đình lo an táng, trong tiếng khóc thảm thiết của người thân.
Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 20-4, do nắng nóng, 10 học sinh của Trường Tiểu học Nguyên Bình (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) rủ nhau ra bãi biển Hải Hòa để tắm. Không may, hai em Phan Văn D. (lớp 5D) và V.M.Q (lớp 5C) bị sóng cuốn xa bờ, dẫn tới tử vong. Lực lượng công an, dân quân cùng người dân địa phương ra sức tìm kiếm. Cuối cùng, thi thể hai học sinh trên đã được tìm thấy.
Bản tính trẻ em luôn hiếu động. Nhất là các em nhỏ ở vùng xa thị thành thường rủ nhau ra biển, sông, suối, ao, hồ tắm để được đùa nghịch thỏa thích. Bản thân các em không hề để ý đến những hiểm nguy đang rình rập như: nước sâu chảy xiết, sóng lớn, va phải tảng đá trơn... Rồi có những chuyến đi bơi kết cục nhiều em mãi mãi không trở về, để lại nỗi đau quá lớn cho người thân.
Chiều 22-4, Đồn Biên phòng Hải An (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) thông tin, trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước, khiến một học sinh tử vong. Nạn nhân là em V.Đ.A.K (13 tuổi, ngụ địa phương, học Trường Tiểu học và THCS Hải Vĩnh). Khoảng 15 giờ 40 cùng ngày, K. cùng 3 bạn học rủ nhau đến bãi biển Mỹ Thủy (xã Hải An, H.Hải Lăng, Quảng Trị) để tắm. Đang nô đùa, các bạn đi cùng nháo nhào khi phát hiện K. bị đuối nước. Nghe tiếng kêu cứu, người dân gần đó vội đến tìm kiếm. Khoảng 20 phút sau, K. được tìm thấy, nhưng đã ngưng thở.
Một tai nạn đuối nước thương tâm khác xảy ra ở xã Phú Cần (H.Krông Pa, Gia Lai). Em Kpă H,Điếp (SN 2010, ngụ buôn Bluk) cùng nhóm bạn đi tắm tại sông Ba. Khi bơi đến đoạn nước xoáy, H,Điếp bị đuối nước, mất tích. Lực lượng chức năng H.Krông Pa huy động người và phương tiện phối hợp người dân tổ chức tìm kiếm, vớt được thi thể H,Điếp. Trước đó không lâu, tại H.Krông Năng (Đắk Lắk) liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước, khiến 5 học sinh tử vong, trong sự bàng hoàng của người thân và dư luận.
Đó chỉ là những vụ tử vong do đuối nước điển hình. Trên thực tế, số vụ học sinh đuối nước dẫn đến tử vong còn rất nhiều, xảy ra ở nhiều địa phương, cho thấy tình trạng này đang ở mức báo động khẩn, cần đặc biệt quan tâm. Theo báo cáo hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta có tỉ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần các nước phát triển. Đặc biệt, tai nạn đuối nước ở trẻ em gia tăng cao vào mùa hè và mùa mưa lũ. Ở bất cứ nơi đâu, nếu không có sự giám sát của người lớn thì những hiểm nguy sẽ luôn rình rập các em nhỏ.
Cần giám sát, nhắc nhở thường xuyên
Thực tế cho thấy, với vị trí địa lý nhiều biển, sông, suối, ao, hồ như ở Việt Nam, cộng thêm thời tiết nắng nóng kéo dài thì việc hạn chế trẻ em bơi lội để giải nhiệt rất khó khăn. Tuy nhiên, từ tình trạng liên tục xảy ra những vụ trẻ em tử vong do đuối nước, đã đến lúc các bậc phụ huynh cần có thái độ cương quyết hơn trong việc nghiêm cấm con em mình tự ý đi tắm, bơi ở những nơi không có sự giám sát của người lớn. Các bậc cha mẹ cần phối hợp với nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở các em phải đi học đến nơi, về nhà đến chốn; không được rủ nhau đi tắm, bơi hoặc tụ tập ở những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước...
Một vấn đề đáng lo ngại khác đó là hiện nay, việc phòng tránh, sơ cứu của người dân khi xảy ra tai nạn đuối nước còn thấp. Hơn nữa, nhiều trẻ em còn thiếu kỹ năng bơi hoặc kỹ năng an toàn với nước. Do đó, cần tăng cường trang bị kỹ năng ứng cứu khi gặp sự cố đuối nước. Nhà trường và các tổ chức, đoàn thể địa phương cần tập trung hướng dẫn các em nhỏ một số kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước để khi xảy ra sự cố, các em có thể tự mình thoát nạn hoặc tìm kiếm người trợ giúp ở gần đó.
Được biết, nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành nhiều công văn về việc tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước đối với trẻ em, gửi đến các Sở GD&ĐT, yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước, bảo đảm an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, học sinh. Cạnh đó, tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn về phòng, chống đuối nước cho các em trong dịp hè. Tuy nhiên, điều đáng buồn là vẫn xảy ra hàng loạt vụ đuối nước thương tâm, gây bất an cho những người làm cha, làm mẹ; ảnh hưởng đến nhiều gia đình và xã hội.
Nhằm nâng cao ý thức của trẻ em một cách hiệu quả, cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng cách trình chiếu tổng hợp hình ảnh những vụ đuối nước thực tế cũng như các kỹ năng an toàn về phòng, chống đuối nước tại các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt chuyên đề, để các em tận mắt chứng kiến, tự cảm nhận và rút ra bài học, kinh nghiệm cho chính mình.