Báo động tình trạng học sinh vùng cao đuối nước đầu hè
Chỉ mới đầu hè, tại các tỉnh vùng cao liên tiếp xảy ra các vụ học sinh đuối nước dẫn đến không ít cái chết thương tâm.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Lò Văn Chựa, Trưởng bản Him Lam 2, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết: Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy thi thể nam sinh lớp 6 đuối nước ở sông Nậm Cốm.
Trước đó, khoảng 16 giờ chiều 23/4 nhóm học sinh Trường THCS Trần Can ra sông Nậm Rốm tắm. Không may cháu Giàng Mạnh H. bị xoáy vào hố nước sâu và mất tích.
Được biết, bố H. đã mất cách đây 3 năm, một mình mẹ nuôi 2 anh em. Kinh tế khó khăn, mẹ H. bán hàng lặt vặt tại chợ. Do vậy, ngoài giờ lên lớp, đa phần thời gian trong ngày anh em H. tự chơi với nhau.
Trước đấy, tại sông Nậm Rốm (khu vực chạy qua địa phận bản Him Lam 2) cũng xảy ra nhiều trường hợp trẻ tử vong vì đuối nước. "Tới đây chúng tôi sẽ cắm biển cấm và phải dùng biện pháp mạnh tay hơn", ông Chựa nói.
Cũng trong chiều 23/4 tại sông Hồng đoạn qua địa bàn xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra một vụ đuối nước khiến 1 học sinh lớp 5 và 1 học sinh lớp 8 tử vong.
Theo vị lãnh đạo xã Yên Tập, vì trời tối nên rất khó khăn cho công tác tìm kiếm, đến rạng sáng 24/4, thi thể của 2 em mới được tìm thấy và bàn giao cho gia đình để lo hậu sự.
Ba ngày trước đó, tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, có 15 học sinh Trường THCS Thượng Thôn rủ nhau đến tắm suối khiến 3 nữ sinh bị đuối nước, tử vong.
Nhận tin báo, lực lượng chức năng đã đến lặn mò vớt thi thể các em lên. Đến tối cùng ngày, cả 3 nạn nhân được đưa về để gia đình lo an táng, trong tiếng khóc thảm thiết của người thân…
Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, trước thềm nghỉ hè này, các địa phương vùng cao đã triển khai các giải pháp phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích đến tất cả các thôn bản. Rà soát các khu vực nguy hiểm để cắm biển cảnh báo, rào chắn…
Là địa phương xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, bà Nông Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Để thực hiện hiệu quả việc phòng chống đuối nước cho trẻ, ngoài việc quây rào ao, cắm biển ở suối sâu, khu vực nguy hiểm, huyện cũng chỉ đạo các xã cũng đã có nhiều biện pháp thực hiện hiệu quả.
Việc quây, chắn tại các suối, ao, hồ có tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước trên địa bàn đã được huyện thực hiện từ nhiều năm nay qua nguồn ngân sách xã hội hóa và của huyện".
Trong khi đó, tại một số xã của huyện Bắc Hà (Lào Cai), bên cạnh việc rà soát các khu vực nguy hiểm đối với trẻ em để cắm biển báo, rào chắn, chính quyền địa phương đã phối hợp với trường học tổ chức tập bơi cho trẻ.
Địa điểm tập bơi là đưa vào trong thị trấn để có bể bơi, đảm bảo nước và có thầy dạy để các cháu có các kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước…
Theo các chuyên gia, với vị trí địa lý nhiều biển, sông, suối, ao, hồ như ở Việt Nam, cộng thêm thời tiết nắng nóng kéo dài thì việc hạn chế trẻ em bơi lội để giải nhiệt rất khó khăn. Tuy nhiên, từ tình trạng liên tục xảy ra những vụ trẻ em tử vong do đuối nước, đã đến lúc các bậc phụ huynh cần có thái độ cương quyết hơn trong việc nghiêm cấm con em mình tự ý đi tắm, bơi ở những nơi không có sự giám sát của người lớn. Các bậc cha mẹ cần phối hợp với nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở các em phải đi học đến nơi, về nhà đến chốn; không được rủ nhau đi tắm, bơi hoặc tụ tập ở những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước...
Một vấn đề đáng lo ngại khác đó là hiện nay, việc phòng tránh, sơ cứu của người dân khi xảy ra tai nạn đuối nước còn thấp. Hơn nữa, nhiều trẻ em còn thiếu kỹ năng bơi hoặc kỹ năng an toàn với nước. Do đó, cần tăng cường trang bị kỹ năng ứng cứu khi gặp sự cố đuối nước. Nhà trường và các tổ chức, đoàn thể địa phương cần tập trung hướng dẫn các em nhỏ một số kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước để khi xảy ra sự cố, các em có thể tự mình thoát nạn hoặc tìm kiếm người trợ giúp ở gần đó.