Báo động tình trạng lao động Việt Nam: Kém tiếng Anh, bỏ việc tăng
Theo các tổ chức, thị trường Việt Nam đang thiếu hụt nguồn cung nhân lực, trong khi đó, việc tuyển dụng khó khăn khi lao động thiếu tiếng Anh...
Lao động Việt có vốn tiếng Anh thấp
Báo cáo khảo sát về “Xu hướng tuyển dụng quý III và quý IV năm 2022” của ManpowerGroup Việt Nam (công ty tuyển dụng và tư vấn hàng đầu thế giới) cho thấy, có đến 61% doanh nghiệp (DN) tham gia khảo sát sẽ tăng tuyển dụng vào cuối năm;
7 lĩnh vực ngành nghề tuyển dụng nhiều, bao gồm: Sản xuất và chế biến chế tạo; Bán sỉ, bán lẻ và thương mại; Tài chính - ngân hàng; Dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp; Xây dựng; Dịch vụ lưu trú, ăn uống và giải trí; Bất động sản.
Trong đó, ngành Sản xuất và chế biến chế tạo với vai trò mũi nhọn của nền kinh tế sẽ chiếm 19% trên tổng số DN dự kiến gia tăng tuyển dụng.
Tuy nhiên, hiện người lao động không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng mềm trong bối cảnh tăng cường số hóa và hội nhập, bao gồm kỹ năng ngoại ngữ.
Theo ManpowerGrou, đây là một trong những nguyên nhân khiến việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn.
Thực tế, ngay tại các DN khảo sát, có đến 24% công ty có tỷ lệ nhân viên sử dụng tốt tiếng Anh rất thấp, chỉ đạt dưới 50% tổng số nhân viên. Đáng lưu ý, 30% đơn vị thừa nhận chưa đến 10% người lao động có đủ năng lực tiếng Anh cần thiết để làm việc.
Thiếu lao động, nghỉ việc gia tăng
Còn báo cáo khảo sát của Vietnamworks cho thấy thêm, trong 6 tháng đầu năm, có gần 50% (40,8%) DN có tỷ lệ nhân viên từ chức ở mức tăng từ 10-20%; Hơn 12% DN có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc lên tới 30-40%.
Dẫn đến, thị trường đang thiếu hụt nguồn cung nhân lực khiến các DN phải tìm mọi cách tuyển dụng.
Đơn cử, các ngành thiếu hụt nhân lực ở mức độ 30-40% gồm: Dịch vụ; Nhà hàng/khách sạn/du lịch; Dệt may; Hàng tiêu dùng. Nhóm ngành xây dựng - kiến trúc; Công nghệ thông tin hơn,... thiếu khoảng 1-20%.
Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (WB) cũng đánh giá, triển vọng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm phải đối mặt với rủi ro tăng cao.
Thách thức bao gồm những khó khăn trong hoạt động kinh doanh tiếp tục hiện hữu ở một số ngành và tình trạng thiếu lao động.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục, là một phần quan trọng của gói các đầu tư và cải cách cần thiết.
Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố Việt Nam rất cần trong dài hạn", bà Carolyn Turk nói.